Mua - bán dữ liệu cá nhân trái phép: Cấp thiết xử phạt

(ĐTTCO)- Việc ban hành nghị định để tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép là cần thiết và cấp bách.
Mua - bán dữ liệu cá nhân trái phép: Cấp thiết xử phạt

Tình trạng mua bán dữ liệu (data) cá nhân diễn ra công khai trên Facebook, website với mức giá “rẻ bèo” từ 600- 800 đồng/thông tin đang khiến không ít người trở thành “nạn nhân” bị trục lợi.

Mới đây, Bộ Công an đã có đề xuất phạt từ 50 - 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép, chưa được sự đồng ý của cá nhân, gây tổn hại đến nhân phẩm danh dự của người bị tiết lộ. Mức phạt đề xuất này được nhận định là hợp lý nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân trong thời đại công nghệ số.

Liên tục nhận những cuộc gọi giới thiệu mua chung cư, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, tour du lịch… trong thời gian gần đây, chị Minh Thắm ngụ tại quận Bình Thạnh rất bất ngờ khi hầu hết người tư vấn đều nắm rõ số điện thoại, tên, tuổi của mình. Chị Thắm nghi ngờ dữ liệu cá nhân đã bị đánh cắp và bị trao đổi trên các “chợ đen”.

“Lâu nay tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi tư vấn bất động sản, bảo hiểm, mở thẻ tín dụng, chào mời chứng khoán. Tôi không biết vì sao họ lại có những thông tin cá nhân của tôi từ số điện thoại, email, tên. Như vậy thông tin cá nhân của tôi đã bị lộ cho khá nhiều bên và tôi cảm thấy khó chịu về điều này”, chị Thắm nghi ngại.

Việc mua bán thông tin cá nhân là có thật. Tìm mua data khách hàng để phục vụ cho công việc kinh doanh bất động sản, anh Nguyễn Văn Hào ngụ tại Quận 3, TP HCM cho rằng, công việc bán hàng hiện nay đều cần khách hàng mục tiêu nên việc mua dữ liệu cá nhân sẽ giúp người bán tiết kiệm thời gian, công sức hơn là tự tìm kiếm.

“Tôi thường mua data khách hàng bất động sản để gọi tư vấn chung cư. Tôi chỉ cần tốn khoảng 500.000 - 600.000 đồng là có 1.000 số điện thoại để gọi. Phương pháp này hiệu quả hơn, nhàn hơn chứ không phải đến tận chung cư hay từng nhà để tư vấn”, anh Hào chia sẻ.

Theo khảo sát, hoạt động trao đổi; mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra công khai tại nhiều hội nhóm buôn bán dữ liệu khách hàng trên Facebook với hàng chục bài viết mỗi ngày. Một số website như congdongseo.vn; datakhachhang24h; datakhachhang.vn,… cũng là địa chỉ để các giao dịch mua bán dữ liệu cá nhân ở nhiều lĩnh vực như bảo hiểm, bất động sản, tín dụng, chứng khoán,… với giá dao động từ 600- 800 đồng/thông tin.

 Ngoài giao dịch qua điện thoại, email, nhiều website đang hoạt động dưới hình thức thu phí tự động từ 5.000- 15.000 đồng/lần tải các tệp dữ liệu cá nhân đối với những người có nhu cầu. Liên hệ với ông Nguyễn Minh thông qua website “Data khách hàng 24h”, PV được ông Minh giới thiệu chuyên cung cấp dữ liệu cá nhân với danh sách khách hàng trải dài 63 tỉnh thành.

Theo ông Minh, nguồn dữ liệu khách hàng được lọc qua nhiều nguồn thông tin để đảm bảo thu về danh sách khách hàng tiềm năng ở mọi ngành nghề và phân loại theo khu vực, thuận tiện cho nhu cầu của người mua.

“Chúng tôi nhận cung cấp nhiều dạng thông tin khách hàng. Người mua chỉ cần để lại yêu cầu tệp khách hàng ở từng lĩnh vực cụ thể, chúng tôi sẽ hỗ trợ lọc theo nhu cầu mong muốn. Giá 600 đồng/thông tin với đầy đủ thông tin liên hệ như tên, số điện thoại, email. Cách giao dịch rất đơn giản, khách hàng xác định số lượng thông tin cá nhân muốn lấy và nhân với giá đã cung cấp sau đó chuyển khoản đủ 100% số tiền mua sẽ được chúng tôi chuyển lại tệp có chứa dữ liệu cá nhân theo yêu cầu của người mua qua email”, ông Minh khẳng định.

Trước tình trạng rao bán dữ liệu cá nhân trái pháp luật để trục lợi, mới đây, Bộ Công an đã đề xuất xử phạt từ 50 - 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép, chưa được sự đồng ý của cá nhân, gây tổn hại đến nhân phẩm danh dự của người bị tiết lộ.

Trong đó, các thông tin về họ và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; nhóm máu; giới tính; số điện thoại; nơi sinh; nơi thường trú; số chứng minh nhân dân; căn cước; số giấy phép lái xe; mã số thuế cá nhân, tình trạng hôn nhân... đều là các loại dữ liệu cá nhân cơ bản.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định, công nghệ 4.0 trong thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến,… hiện nay đang tồn tại những lỗ hổng khiến nhiều dữ liệu cá nhân của khách hàng bị tiết lộ, mua bán, trao đổi khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu. Do đó, việc ban hành nghị định để tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép là điều cần thiết và cấp bách.

Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng, đề xuất mức xử phạt từ 50- 80 triệu đồng là mức phạt tương đối hợp lý. Tuy nhiên, luật sư đề xuất cần có các hình thức phạt bổ sung đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm như cấm đảm nhiệm trong một số lĩnh vực hành nghề chuyên môn trong một thời hạn nhất định, thậm chí thu hồi giấy phép nhằm tránh tình trạng bất chấp quy định pháp luật để kiếm lời do lợi nhuận từ việc buôn bán dữ liệu cá nhân vẫn cao hơn mức xử phạt. Ngoài ra, việc xử phạt người mua dữ liệu cá nhân cũng cần được quy định cụ thể để đảm bảo tính răn đe và mức xử phạt sẽ không cao như với người bán.

“Đối với người mua dữ liệu cá nhân cũng cần có hình thức xử phạt. Tuy nhiên không nhất thiết phải xử phạt nặng như người bán bởi người bán dữ liệu thường đầu tư trong việc lấy các thông tin, dữ liệu từ các tổ chức, cá nhân khác mang tính chuyên nghiệp và thu về lợi nhuận cao. Nếu đề xuất xử phạt của Bộ Công an được áp dụng vào thực tế thì việc giải quyết cách tranh chấp hay xảy ra kiện tụng tố cáo về tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân cũng sẽ giảm đi”, Luật sư Trần Minh Hùng nhận định.

Trước thực trạng dữ liệu cá nhân đang bị nhiều đối tượng tiết lộ, mua bán trái phép, người dân cũng phải thật cẩn trọng trong việc kiểm soát thông tin cá nhân, tránh tình trạng trở thành “nạn nhân” bất đắc dĩ của những giao dịch “đen” này.

Các tin khác