Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lên tiếng trước một số ý kiến về việc mua “ngân hàng 0 đồng”...
“Đó không phải quốc hữu hóa, và đó là cần thiết trong bối cảnh hiện tại, để bảo toàn tài sản cho người dân và tổ chức”, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước lên tiếng trước một số ý kiến xem việc Ngân hàng Nhà nước mua VNCB, OceanBank, GP.Bank với giá 0 đồng cũng giống như “tịch thu, quốc hữu hóa” ngân hàng. Ông cho biết:
- Ta phải thấy rằng, rủi ro mất hết vốn chủ sở hữu của 3 ngân hàng này và một số ngân hàng được xử lý trước đó, đã xuất hiện từ trước 2011, nhưng không được xử lý triệt để. Có nhiều cách tiếp cận vấn đề trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém này mà đơn giản và không mất nhiều thời gian tranh cãi là cho phá sản, như thông lệ thế giới.
Nhưng nếu như vậy, hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền gửi của người dân, của tổ chức, của Nhà nước sẽ mất theo. Tổn thất kinh tế có thể nhìn thấy, nhưng rối loạn xã hội, trật tự trị an, niềm tin của người dân với Nhà nước, hệ thống ngân hàng... thì không đong đếm được.
Vì vậy, Nhà nước phải tự mình củng cố, tái cơ cấu, cử cán bộ có năng lực chuyên môn và đạo đức để khắc phục từng bước các ngân hàng này. Theo tôi, mua “0 đồng” là một lựa chọn tối ưu trong bối cảnh hiện tại. Hơn nữa khung pháp lý hiện tại đều cho phép Ngân hàng Nhà nước xử lý như vậy.
Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước. |
- Vì mua “0 đồng” nên Ngân hàng Nhà nước không mất đồng nào để có được 3 ngân hàng này, nhưng sẽ lấy tiền đâu để kế thừa nghĩa vụ các khoản nợ đã lớn hơn tổng vốn pháp định 3 ngân hàng này, thưa ông?
- Kinh doanh ngân hàng là kinh doanh niềm tin. Ở Việt Nam có một điểm khá thú vị là cùng một ngân hàng nhưng nếu Nhà nước làm chủ thì niềm tin sẽ rất lớn, gần như lớn nhất, tất nhiên, tôi chỉ nói trong phạm vi ngành ngân hàng.
Trên thực tế, khi Nhà nước tiếp quản 3 ngân hàng này, trong mấy ngày đầu, mỗi ngân hàng có sụt đi mấy nghìn tỷ nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, dòng tiền vào ra lại ổn định trở lại.
Vậy thì, thứ nhất, khi xác lập được niềm tin thì đồng nghĩa, các nghĩa vụ nợ thanh toán trước hạn sẽ giảm xuống, do đó, áp lực thanh khoản không đè nặng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có đủ thời gian để xử lý.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước luôn dự trữ sẵn một lượng tiền tái cấp vốn đủ để chi trả cho bất cứ ngân hàng nào gặp bất ổn thanh khoản; chưa kể, hệ thống ngân hàng với tinh thần sẵn sàng hỗ trợ nếu cần thiết là những yếu tố đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của 3 ngân hàng này không thể làm khó Ngân hàng Nhà nước.
Thứ ba, 80% giá trị tài sản bảo đảm của hệ thống ngân hàng là bất động sản, chỉ cần tìm cách khôi phục thị trường này thì đó là một nguồn lớn để xử lý các nghĩa vụ nợ. Gần đây, Quốc hội, các bộ ngành đang tích cực tháo gỡ, sửa đổi bất cập hệ thống luật pháp để tạo sức cầu cao cho thị trường bất động sản.
Do đó, hy vọng thu hồi nợ xấu từ việc phục hồi thị trường bất động sản không phải là viển vông.
Đặc biệt, với hàng chục văn bản ký kết hội nhập song phương, đa phương, sẽ mở ra kỳ vọng lớn về tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, quy mô tín dụng được mở rộng, khả năng sinh lời lớn hơn, tạo đủ điều kiện để bù đắp cho tổn thất tín dụng từ trước.
Tóm lại, tôi nghĩ chỉ 3 - 5 năm tới, những ngân hàng bị mua “0 đồng” sẽ hồi phục. Lúc đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng vốn thông qua phát hành thêm, nhiều cổ đông mới xuất hiện và một chu kỳ mới, sáng sủa hơn sẽ mở cửa với các ngân hàng này.
15 năm trước, nợ xấu của Eximbank từng lên tới 75%, Ngân hàng Nhà nước đã nhảy vào củng cố, tôi đang là cán bộ Vietcombank được cử sang điều hành. Bằng nhiều biện pháp khác nữa, Ngân hàng Nhà nước đã khôi phục lại ngân hàng này và thu hút thêm các cổ đông và thị trường mới để có một Eximbank như bây giờ đấy thôi.
Cách mua ngân hàng “0 đồng” hiện nay chính là sự kế thừa tư duy, phương pháp xử lý như từng đối với Eximbank.
- Vậy tại sao không cho các ông chủ này thêm thời gian, thêm cơ hội được hưởng những kỳ vọng như ông nói, thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước mua “0 đồng” nhưng lại mang tiếng như tịch thu?
- Mất thanh khoản, mất vốn là tự các ông chủ đó đã đánh mất niềm tin nơi người gửi tiền. Nếu kéo dài, hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền xảy ra, khó mà xử lý được. Một con đê sắp vỡ thì phải vác đất đá, xi măng bịt lại ngay.
Trên thực tế, Nhà nước từng cho họ thời gian để khắc phục nhưng không một trường hợp nào tự xử lý được, buộc Nhà nước phải ra tay.
- Nhưng hội nhập trong ngành ngân hàng đã lâu, cứ mua “0 đồng” như thế này, sẽ giải thích với nhà đầu tư nước ngoài như thế nào?
- Ngay ở các nước tư bản, các ngân hàng thua lỗ nặng cũng phải phá sản hoặc bán theo giá thị trường. Ở đây, giá cổ phần bằng 0 vì đã mất hết vốn thì Nhà nước mua bằng 0, sao lại đánh đồng với quốc hữu hóa hay tịch thu?
Ở Mỹ, Anh, Pháp, ngân hàng phá sản, thua lỗ, bất kể cổ đông mới nào, kể cả Chính phủ có thể kế thừa quyền nơi tài sản “Có” và nghĩa vụ ở tài sản “Nợ”. Chẳng lẽ, như thế cũng bị coi là quốc hữu hóa?
- Xin cảm ơn ông.