Mùa xuân trên bến thượng nguồn

Tôi từng đi qua rất nhiều bến sông, nhưng không bến nào mang lại nhiều kỷ niệm đẹp như bến phà Cây Ổi nơi thượng nguồn Vàm Cỏ Đông buổi chiều xuân hôm ấy.

Tôi từng đi qua rất nhiều bến sông, nhưng không bến nào mang lại nhiều kỷ niệm đẹp như bến phà Cây Ổi nơi thượng nguồn Vàm Cỏ Đông buổi chiều xuân hôm ấy.

Mặt trời vẫn còn đỏ hỏn phía xa xa, trên chiếc phà sơn màu xanh, những nông dân Campuchia đang vội vã lên chuyến phà cuối ngày để kịp về phía bên kia biên giới với gia đình trong một tối mùa xuân, sau một ngày làm việc ở Việt Nam.

Có lẽ, chỉ những chuyến phà thượng nguồn mới có cả người Việt lẫn người Miên cùng tươi cười, vui vẻ trao đổi với nhau những tin tức về giá cả, hàng hóa và công việc bận rộn chuẩn bị tết. Ở đây, dường như không còn khoảng cách, không còn đường biên.

Chỉ có những cơn gió nhè nhẹ mùa xuân như gắn kết mọi người với nhau, giữa vùng biên giới yên bình bạt ngàn màu xanh.

Ấn tượng về bất cứ dòng sông nào, không riêng gì Vàm Cỏ Đông, với tôi luôn là những vùng thượng nguồn. Ở đó, cũng như một mùa xuân mới, thượng nguồn là khởi nguồn, là sự bắt đầu của những bắt đầu, nơi sinh sôi ra bao nhiêu phù sa kỳ diệu phía hạ lưu, như một năm mới luôn bắt đầu bằng những mùa xuân tươi đẹp vậy.

Thế nên, mùa xuân nơi thượng nguồn càng trở nên đặc biệt hơn, không chỉ bởi tiếng cười trong veo đến nao lòng của mấy em nhỏ đang nô đùa bên bến sông đợi mẹ đi chợ về. Trong đôi mắt ngây thơ ấy, tôi đã nhận ra những tia nắng mùa xuân trong từng nếp áo, dù cũ kỹ nhưng chắc chắn, mùa xuân này các em sẽ có áo mới, có những niềm hãnh diện rất vô tư với bạn bè, với mùa xuân.

Cũng như tuổi thơ của bất kỳ em nhỏ quê mùa nào, mùa xuân với các em bé thượng nguồn này, đôi khi lại đồng nghĩa với những bộ quần áo mới, và may mắn là vài chiếc phong bao lì xì đỏ tươi cùng dăm tờ tiền mới cóng.

Sông Vàm Cỏ Đông. 

Sông Vàm Cỏ Đông. 

Tôi đã thấy rất nhiều gương mặt, hầu hết đều vô tư, vui vẻ trên bến phà thượng nguồn trong một buổi chiều mùa xuân nhiều nắng và lồng lộng gió. Từ phía bờ Nam, bên những cô nữ sinh cười tươi rạng rỡ trong bộ áo dài màu trắng tinh khôi là mấy dì đi chợ chiều sắm tết về.

Chẳng có gì nhiều, mỗi người chỉ có một chiếc giỏ màu xanh, màu đỏ cũ mèm nhưng chật chội những đồ dùng chuẩn bị tết. Từ bó lá dong xanh lòi cả những cái cuống lá tua tủa ra bên ngoài, tập giấy màu đỏ in hình vuông, tròn màu vàng mã đặt lên trên.

Hay cả những dây lạp xưởng dài, buộc thắt từng đốt ngắn, căng mọng màu thịt tươi hun khói nhìn đã săn chắc lại với lấm chấm mấy hạt mỡ li ti. Có phần cao sang hơn, một dì ngồi phía sát boong phà còn khệ nệ bưng một chậu mai sớm với những chiếc nụ non vươn lên cùng dăm nụ hoa lác đác đầu cành.

Nghe dì hồ hởi quay sang vợ chồng người Miên kia nói mà như khoe: “Có chị người quen ở dưới Tua Hai để rẻ cho. Chẳng lấy tiền nong gì nhưng cũng biếu vợ chồng chị ấy đôi gà trống của nhà...”.

Mùa xuân, người ta nói chuyện cởi mở và cũng cười nhiều hơn. Tiếng cười theo những làn gió đầu năm thả rơi xuống dòng sông trong xanh ngằn ngặt in hình cả những mảng bèo tây trôi về phía hạ lưu, nơi một quán nước với người khách lạ loay hoay chưa biết có lên chuyến phà muộn chiều xuân hay không, vì mục đích của tôi khi lên đến bến phà cuối cùng của lãnh thổ nước Việt này không phải đi phà, mà chỉ đơn giản để ngắm bến thượng nguồn trong khoảnh khắc đất trời giao thoa, sông nước chầm chậm trôi qua mùa.

Tuy nhiên, không chỉ có những người “lên phà” mới đem theo mùa xuân mà dường như, cả những hành khách “xuống phà” cũng tràn ngập tiếng cười. Họ là những công dân Việt Nam, vì nhiều lý do khác nhau phải bôn ba sang bên nước bạn làm ăn, nay trở về sum họp với gia đình những ngày cuối năm, cùng nhau đón một cái tết êm đềm, no ấm.

Kẻ đi, người về. Kẻ lên, người xuống trên những chuyến phà mùa xuân hối hả nơi bến thượng nguồn này đã đem đến cho tôi những khoảnh khắc khó quên.

Bởi tôi biết, dù cuộc sống còn muôn vàn khó khăn nơi biên giới xa xôi, nhưng thật kỳ diệu, mùa xuân đã như xóa nhòa tất cả, đem đến ngập tràn những hạnh phúc và niềm vui, không chỉ ở bến phà Cây Ổi này mà còn ở những bến Trung Dân, Băng Dung vùng thượng nguồn dòng sông huyền thoại Vàm Cỏ Đông.

Các tin khác