Dự báo, xuất khẩu thủy sản năm nay có thể cán đích 9 tỷ USD. Khách quan nhìn nhận mục tiêu này không lớn. Xuất khẩu thủy sản năm 2020 thua 2019 1,8%, năm 2019 lại thua 2018 2,4%. Vậy năm nay đạt 9 tỷ USD cũng chỉ nhỉnh chút đỉnh so với 2018 (8,8 tỷ USD). Khiêm tốn, nhưng đạt được không dễ.
Từ ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác IUU, nêu 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện để gỡ “thẻ vàng”. Phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra tại Việt Nam vào tháng 5-2018 và 11-2019, rút xuống còn 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu ta thực hiện trong thời gian tới. Phía Việt Nam đã ra sức khắc phục, song vẫn còn mắc.
Cho đến cuộc họp ngày 13-7 mới định hướng giảm dần số lượng tàu cá vi phạm các quy định về chống khai thác IUU và chấm dứt tình trạng này vào năm 2022 để gỡ “thẻ vàng” của EC, tuyệt đối không tiếp tục vi phạm dẫn tới bị áp “thẻ đỏ”. Như vậy, việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA riêng với thủy sản là khó.
Một thực tế đang diễn ra từ nhiều năm nay, là xuất khẩu thủy sản nước ta phụ thuộc vào nhập khẩu thủy sản nguyên liệu. Năm 2020, xuất khẩu 8,4 tỷ USD thì nhập khẩu 1,7 tỷ USD thủy sản nguyên liệu, tương ứng 20,9% kim ngạch xuất khẩu. Các con số tương ứng của 6 tháng qua là 4 tỷ USD - 1 tỷ USD - 25%.
Lâu nay, Việt Nam nhập khẩu thủy sản nguyên liệu từ Ấn Độ (chủ yếu là tôm sú), Đài Loan (tôm sú, cá ngừ, cá mực), Na Uy (cá hồi), Nhật Bản (cá thu đao, cá hồi, cá tuyết), Indonesia (tôm, cua, rong biển). Như vậy, tôm là chủng loại thủy sản nguyên liệu được nhập khẩu nhiều nhất, góp phần để con tôm đứng đầu trong ngành hàng thủy sản. Song do nhập khẩu nhiều nguồn từ doanh nghiệp mang về, nên khó kiểm soát dịch bệnh. Từ đó cũng dễ hiểu tại sao vấn đề dư lượng chất kháng sinh trong con tôm vẫn dai dẳng.
Thủy sản là một trong ít ngành hàng hội nhập quốc tế sớm nhất trong khối nông nghiệp. Theo đó, việc chế biến đảm bảo chất lượng luôn đặt lên hàng đầu, nhờ vậy thủy sản Việt đã vừa lòng cả những vị khách khắt khe. Tuy vậy, chúng ta hiện vẫn chưa thoát được tình trạng manh mún từ nuôi trồng tới xuất khẩu và cả khâu chế biến. Hiện Việt Nam có gần 800 doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong đó trên 600 doanh nghiệp đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm vào các thị trường cao cấp. Trong khi đó vẫn còn khoảng 3.000 cơ sở nhỏ lẻ với hình ảnh “phổ thông” về chế biến thủy sản: tôm bỏ đầu, lột vỏ, cá tra lóc xương lấy thăn… rồi cấp đông. Thiếu nhiều đặc sản thủy sản vào thẳng siêu thị.
Cũng cần nói thêm, việc Trung Quốc ngày càng siết chặt kiểm tra Covid đối với thủy sản đông lạnh nhập khẩu từ các nước, khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này giảm. Động thái này còn do xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc cũng sụt giảm vì Covid và vì chiến tranh thương mại với Mỹ - thị trường nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc muốn người tiêu dùng, nhà chế biến thủy sản nước này tập trung dùng sản phẩm cùng nguyên liệu trong nước. Tương tự, từ 1-8 Hàn Quốc bổ sung 5 chỉ tiêu bệnh (DIV1, TiLV, NHP, SAV, AHPND) đối với một số thủy sản xuất khẩu vào nước này phải kèm theo chứng nhận kiểm dịch đối với 5 bệnh nói trên.
Trong 6 tháng đầu năm, giá nguyên nhiên liệu tăng đẩy giá thức ăn công nghiệp nuôi trồng thủy sản lên, lập tức ảnh hưởng giá thành đầu ra của tôm, cá. Điều này càng chồng thêm khó khăn. Làm giảm lợi thế so sánh của thủy sản Việt Nam trên thương trường quốc tế còn có tình trạng thiếu container lạnh, chi phí vận chuyển tăng cao.
Những trở ngại trên đây không phải thời Covid-19 mới có mà nó đã và đang “bơi” cùng cộng đồng thủy sản Việt Nam từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được khắc phục.