Mục tiêu tăng trưởng tín dụng?

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% mà ngành NH đặt ra cho năm nay, theo các chuyên gia đây là thách thức khi sức hấp thụ vốn yếu.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% mà ngành NH đặt ra cho năm nay, theo các chuyên gia đây là thách thức khi sức hấp thụ vốn yếu.

Đến cuối tháng 6-2014, tín dụng toàn  ngành NH mới tăng 3,52% so với cuối năm 2013, nhưng trong đó có sự đóng góp từ việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao (tín dụng ngoại tệ tăng 12,03%, tín dụng VNĐ tăng 2,17%). Theo lý giải của NHNN, nguyên nhân chủ yếu là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cho biết mục tiêu trong nửa cuối năm còn lại là tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%, trường hợp tín dụng không đạt mục tiêu trên cũng phải tăng trên 10% mới thúc đẩy kinh tế. Trước sức mua của thị trường và tồn kho chưa mấy cải thiện, để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng hiện nay được xem là một thách thức lớn.

Cho dù chính sách lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng đi xuống, nhưng tăng trưởng tín dụng hiện nay không hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất mà phụ thuộc vào môi trường sản xuất, kinh doanh. Nếu nền kinh tế trên đà hồi phục doanh nghiệp sẽ sẵn sàng vay vốn đầu tư sản xuất. Còn hiện nay doanh nghiệp đã vướng vào nợ xấu NH sẽ khó rót thêm vốn cho vay, doanh nghiệp mới trong lúc này phải xem xét đến yếu tố thị trường có tiêu thụ được hàng hóa hay không mới quyết định việc vay vốn nên tín dụng khó tăng mạnh. 

Mặt khác, rào cản đối với dòng chảy tín dụng hiện còn khá lớn. Chẳng hạn việc xử lý nợ xấu hiện cũng mới “gạt” được nợ xấu từ NHTM sang VAMC để giãn được thời gian xử lý nợ. VAMC cũng chỉ mới giúp NH làm sạch được bản cân đối kế toán. Để bán được nợ xấu đòi hỏi trước hết phải hình thành được thị trường mua-bán nợ. Tuy nhiên, do pháp lý của Việt Nam không đảm bảo để hình thành thị trường mua-bán nợ và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Nhiều ý kiến cho rằng tín dụng năm nay sẽ khó tránh “dồn cục” nếu cố chạy đua mục tiêu và tăng rất nhanh vào cuối năm. Điều này cũng đã từng xảy ra cuối năm ngoái khi tín dụng trong tháng 12 tăng trưởng gần bằng so với 2 quý trước đó. 6 tháng đầu năm tín dụng chỉ đạt hơn 1/4 so với kế hoạch của cả năm, nên tình trạng “giật cục” có thể sẽ lặp lại và như thế sẽ bất ổn cho nền kinh tế, vì tín dụng phải tăng đều đều thì việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mới thực sự tốt và hiệu quả.

Các tin khác