Mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD cà phê: Sản xuất xanh, hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao

(ĐTTCO)- Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê - trà Việt năm 2024 do Báo Người Lao động tổ chức, chiều 30-3 diễn ra Hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỷ USD" đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp.

Theo đó, để niên vụ cà phê 2023-2024 lập kỷ lục xuất khẩu mới, góp phần đưa thương hiệu cà phê Việt ra thị trường thế giới gắn với chiến lược phát triển cà phê đặc sản, cà phê xanh, tại hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp cho ngành cà phê đạt 5 tỷ USD.

01.jpg
Hội thảo đưa ra các giải pháp cho mục tiêu xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD. Ảnh: Đình Dư

Đó là, ngành cà phê cần có giải pháp, chiến lược phát triển bền vững cùng sự hợp tác của ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, cần tăng cường sản xuất, chế biến cà phê đặc sản- theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích cà phê.

Nhà nước và các cơ quan, ngân hàng hỗ trợ các DN đầu tư máy móc, các giải pháp sale, marketing quốc tế để phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu gắn với câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm, cách chế biến một cách trung thực nhất đến người tiêu dùng. Đây là ý kiến của ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu cà phê Napoli tại hội thảo.

Tạo sản phẩm chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các hạng tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn cho việc xuất khẩu cà phê có giá trị gia tăng.

Còn theo ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cần thúc đẩy các khâu sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường; đa dạng hóa các sản phẩm thị trường truyền thống đến cả thị trường mới nổi, thị trường tiềm năng như Ấn Độ,Trung Quốc.

Cần những chiến lược của cả nhà nước, DN; nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, có chiến lược bài bản về phát triển cà phê chất lượng cao.

Giải pháp sắp tới không chỉ đơn thuần về vấn đề kỹ thuật, DN tìm kiếm thị trường, chế biến mà làm cách nào để người sản xuất và xuất khẩu đạt được sự hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị cho hạt cà phê. Đây là một trong những ý kiến của ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam - Bộ NN-PTNT.

"Giải pháp nào để đạt xuất khẩu 5 tỉ USD? Trước hết, phải chuẩn bị hàng hóa như thế nào mới ra thị trường hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, chất lượng hàng hóa phải hướng về sản xuất hữu cơ, vì đó là tương lai, phải là hữu cơ, sinh thái. Nếu đi vào sản xuất cà phê hữu cơ chúng ta sẽ có đặc sản, và nếu chế biến thành những thương hiệu có uy tín. Tại sao các nước châu Âu cần cà phê chế biến mà chúng ta lại xuất toàn cà phê thô?" - ông Phạm Chánh Trực, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đặt câu hỏi cho hội thảo

Do đó, ông Phạm Chánh Trực chia sẻ chúng ta không chỉ xuất thô mà phải làm những sản phẩm chế biến sử dụng ngay, có uy tín. Chuẩn bị hàng hóa là một quá trình từ sản xuất tới chế biến, bảo quản, có được hạ tầng, kiểm soát được hàng hóa và sản phẩm và cả giá bán ở mức nào. Phải chuẩn bị thị trường, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến cho thương hiệu cà phê Việt Nam, bỏ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Cần tập trung vào sản xuất cà phê theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao.

02.jpg
Thực khách trải nghiệm cà phê tại các gian hàng cà phê trong lễ hội. Ảnh: Đình Dư

Theo ông Dương Hải Đăng, Trợ lý Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, muốn xuất khẩu được tốt phải vững chắc ở nội địa. Cần xây dựng được "hàng rào" ý thức để người Việt Nam dùng hàng Việt và thương hiệu Việt.

Cùng với đó cần thiết kết hợp DN, nhà khoa học, nông dân sản xuất giỏi và nghiên cứu ngay trên đồng ruộng, vườn của nông dân.

Các tin khác