(ĐTTCO) - Bán NH yếu kém cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã được đề cập đến trong quá trình tái cơ cấu các NHTM giai đoạn 2011-2015 nhưng vẫn chưa thực hiện được. Gần đây, vấn đề này lại một lần nữa gây chú ý khi Chính phủ cho biết đang có NĐTNN lên kế hoạch mua lại 1 NH yếu kém của Việt Nam.
Nhu cầu có thật
Dù Vietcombank có vị thế mạnh, nhưng mức giá GIC chào mua vẫn thấp hơn giá cổ phiếu của NH trên thị trường. Như vậy, muốn bán NH yếu kém cho nước ngoài có thể sẽ phải chấp nhận giá rẻ mà đối tác đưa ra, không thể làm giá như trước. |
Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết NH Phát triển châu Á (ADB) cùng một đối tác tư nhân Việt Nam đang có kế hoạch mua lại 1 NHTM yếu kém đã được NHNN Việt Nam mua lại với giá 0 đồng, và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu, xử lý các NHTM yếu kém. Trước đó, vào tháng 6, một thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng chia sẻ với ĐTTC, NHNN đang tiến hành đàm phán với một số đối tác nước ngoài để bán lại NH 0 đồng nhưng vẫn còn trong vòng bí mật.
Đối với vấn đề bán lại NH 0 đồng, vị chuyên gia này cho rằng mặc dù đã được NHNN mua lại, nhưng các NH 0 đồng vẫn đang rất khó khăn. Nguồn lực trong nước khó có thể duy trì được, chỉ có NĐTNN mới đủ sức giữ và khôi phục các NH này. Nếu có thể thương lượng bán 100% cũng tốt, còn không đàm phán để bán được đa số, thay vì cho NH nước ngoài lập NH 100% vốn. Tuy nhiên, diễn biến của thương vụ này như thế nào còn chờ NĐTNN xem xét, vì các NH này âm vốn nên mua lại 100% vốn đồng nghĩa với việc ôm hết công nợ, do đó họ sẽ cân nhắc kỹ.
Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có tiền lệ bán NH yếu kém cho đối tác nước ngoài. Năm 2014 đã có thông tin GPBank đàm phán với Tập đoàn UOB (Singapore) để bán lại 100% cổ phần của NH này. Khả năng thực hiện thương vụ này đã được dự đoán lạc quan khi Nghị định 01/2014 của Chính phủ về việc NĐTNN mua cổ phần của TCTD Việt Nam, theo đó tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐTNN tại một TCTD cổ phần yếu kém được cơ cấu lại có thể vượt quá giới hạn 20% với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, hay 30% với tổng room cho các nhà đầu tư ngoại đối với từng trường hợp cụ thể. Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Khi đó, tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐTNN tại một TCTD cổ phần yếu kém được cơ cấu lại có thể vượt quá giới hạn quy định. Tuy nhiên, cuối cùng thương vụ này không diễn ra. Nguyên nhân dù thua lỗ, âm vốn nhưng GPBank vẫn cò kè mặc cả giá bán dẫn đến vuột mất cơ hội, nên cuối cùng NHNN bắt buộc phải mua lại GPBank với giá 0 đồng.
Ảnh minh họa. |
Phải chấp nhận xuống giá
Vào cuối tháng 8, Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã ký thỏa thuận ghi nhớ về việc mua 7,7% cổ phần tại Vietcombank thông qua mua 305,8 triệu cổ phần phát hành trong đợt phát hành riêng lẻ dự kiến diễn ra vào quý IV năm nay. Giao dịch được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong quý IV-2016, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin mới, vì còn chờ Chính phủ và NHNN phê duyệt. Vietcombank cho biết nguyên nhân chậm trễ do vướng mắc vấn đề về giá. Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, vấn đề bán cổ phần tại Vietcombank cho GIC còn liên quan đến việc NHNN có muốn giữ cổ phần chi phối tại NH này hay không. Nếu NHNN muốn giữ cổ phần chi phối phải giữ tỷ lệ sở hữu ở mức 65%, còn nếu dưới mức này NHNN sẽ mất đi vai trò của mình tại đây. NHNN không phải là người đi kinh doanh tài chính lấy lợi, nhưng NHNN cũng muốn có công cụ kiểm soát để điều hành.
Trong khi đó, Vietcombank cho biết ngoài GIC cũng có nhiều đối tác khác đã đàm phán để mua cổ phần của NH này, nhưng GIC đưa ra mức giá hấp dẫn nhất. Theo TS. Trần Du lịch, có nhiều NH muốn bán cổ phần nhưng không ai mua, trong khi nhiều NĐTNN lại đang đổ xô vào Vietcombank bởi đây là NH lớn, niêm yết công khai minh bạch, có hệ thống thanh toán quốc tế cũng như thương hiệu rất mạnh, mang lại giá trị gia tăng cho NĐT. Đề cập đến trường hợp này để thấy, với một NH mạnh NĐTNN sẵn sàng rót vốn ngay để sở hữu, còn với các NH yếu kém từ trước đến nay họ vẫn luôn rất thận trọng cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.
Trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV vừa qua, một quan điểm được Chính phủ và các bộ, ngành thống nhất là Nhà nước không thể bảo hộ, bảo vệ những NH hoạt động yếu kém mãi được. Bởi ngay cả một NH bình thường vẫn đang gặp không ít thách thức trong việc cạnh tranh để tồn tại và sinh lời, nên việc khôi phục các NH yếu kém, âm vốn chủ sở hữu là một thách thức lớn, cần rất nhiều thời gian và chi phí. Đối với NH tư nhân rõ ràng không thể kỳ vọng nguồn lực trong nước để tái cơ cấu, còn với các NH 0 đồng nếu Nhà nước tiếp tục ôm sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn về sau.
Giải pháp xử lý hiện nay là mạnh dạn cho phá sản hoặc bán 100% cổ phần cho NĐTNN để xử lý dứt điểm. Nhưng muốn bán vốn thành công, trước tiên các NH yếu kém phải minh bạch số liệu, vì trước khi quyết định đầu tư vào NH nào, các nhà đầu tư luôn kiểm tra tình hình sức khỏe của NH đó. Ngược lại, khi kêu gọi NĐTNN đầu tư vào NH yếu kém, NHNN cũng cần xem xét lại mục tiêu của mình như thế nào, các NH yếu kém cần NĐTNN đến đâu, cũng như xem xét mục tiêu của NĐTNN vào Việt Nam để phát triển hay thôn tính? Từ đó sẽ đưa ra quyết định phù hợp.