Theo báo cáo, tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN 6 tháng đầu năm của cả nước ước thanh toán đến ngày 30-6 là 151.046,65 tỷ đồng, đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó, tại TPHCM tính đến cuối tháng 6, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 mới đạt 17% trong tổng kế hoạch vốn được giao hơn 31.943 tỷ đồng.
Một trong những điểm nghẽn của việc giải ngân là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của các dự án bị ách tắc, dẫn đến không thể bàn giao mặt bằng cho nhà thầu để thi công. Chính vì thế, khi chuẩn bị cho công tác đầu tư dự án Vành đai 3 TPHCM, Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) đã mạnh dạn đề xuất những chính sách đột phá, nhằm tăng tốc công tác bồi thường, GPMB, tái định cư.
Đó cũng là những “bài học” đắt giá TP rút ra được từ những dự án trọng điểm đã và đang triển khai khi các dự án này bị chậm trễ, mà nguyên nhân xuất phát từ sự chậm trễ của công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư và GPMB.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 93 Luật Đất đai năm 2013, và Điểm b Điều 41 Quyết định 28/2015/QĐ-UBND, việc bố trí tái định cư cho hộ dân đủ điều kiện sẽ được thực hiện sau khi UBND cấp huyện ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho hộ dân.
Trong trường hợp hộ dân nhận tái định cư bằng nền đất phải có thêm 6 tháng (kể từ ngày hộ dân nhận được nền tái định cư) để hộ dân xây dựng nhà ở. Nếu chủ đầu tư cần gấp mặt bằng, phải chi trả tiền để hộ dân tự thuê nhà ở hoặc bố trí vào các khu tạm cư, từ đây dẫn đến hộ dân sống tạm bợ, phải di chuyển chỗ ở nhiều lần (di chuyển từ chỗ ở cũ đến nơi tạm cư, di chuyển từ nơi tạm cư đến chỗ ở mới), vừa phát sinh kinh phí, vừa không đảm bảo hộ dân ổn định cuộc sống.
Sở TN-MT đã kiến nghị UBND TP xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho UBND TP thực hiện thí điểm chính sách tái định cư cho dự án Vành đai 3 theo Nghị quyết 8-NQ/TW, như sau: Đối với các trường hợp qua kiểm tra, rà soát, xác nhận pháp lý nhà - đất, UBND TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh xác định đủ điều kiện được bố trí tái định cư, thì khẩn trương tiếp xúc, vận động hộ dân nhận nhà, đất tái định cư.
Về giá căn hộ bố trí tái định cư, UBND TP sẽ phê duyệt giá tái định cư trước khoảng 6 tháng so với thời điểm phê duyệt giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ. Đối với các trường hợp nhận tái định cư bằng nền đất, giao Hội đồng bồi thường của dự án căn cứ vào tiến độ xây dựng nhà của hộ dân để tạm ứng một phần tiền bồi thường, hỗ trợ về công trình, vật tư kiến trúc hoặc tiền bồi thường, hỗ trợ về đất (nếu có chênh lệch lớn hơn tiền nền đất tái định cư) cho hộ dân, để có điều kiện xây dựng nhà mới nhưng thời gian xây dựng không quá 6 tháng.
Sở TN-MT cũng đề nghị giám sát tiến độ xây dựng nhà của các hộ dân, đảm bảo số tiền tạm ứng được sử dụng đúng mục đích. Hộ dân được giải quyết nhận tái định cư trước phải cam kết sử dụng tiền được tạm ứng để xây dựng nhà mới (nếu được tạm ứng), cam kết bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ, kế hoạch của Hội đồng bồi thường của dự án.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng vừa giao nhiệm vụ đến hàng loạt sở ngành liên quan như TN-MT, Xây dựng, Kế hoạch-Đầu tư, Kho bạc… Theo đó, các sở ngành nhanh chóng triển khai việc chuẩn bị cho công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư, GPMB với mục đích đến đến 1-10 tới bắt đầu bàn giao mặt bằng; đến tháng 3-2024 bàn giao toàn bộ mặt bằng để dự án về đích trong năm 2026.
Với những đề xuất mang tính đột phá của Sở TN-MT, hy vọng công tác giải ngân đầu tư công nói chung của TPHCM và dự án Vành đai 3 sẽ được khơi thông trong thời gian sớm nhất.