Chính phủ Mỹ sẽ dựa trên những phân tích cụ thể để đưa ra quyết định về việc có nên duy trì các biện pháp áp thuế với hàng hóa Trung Quốc hay không. Quá trình cân nhắc không dựa trên các kết quả của bất kỳ "đột phá" nào trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung.
Đây là thông tin mới được Phó Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Sarah Bianchi đưa ra khi trả lời phỏng vấn báo chí ngày 27/5.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn sau hội nghị cấp bộ trưởng của các nước tham gia đàm phán Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) ở Detroit (Mỹ), bà Bianchi cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden không cho rằng sẽ có đột phá xảy ra nhưng sẽ tiếp tục đối thoại với Trung Quốc ở nhiều cấp khác nhau.
USTR tiếp tục nghiên cứu thông tin tham vấn về các biện pháp thuế từ các ngành và các bên liên quan. Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và các cơ quan chính phủ khác sẽ quyết định đâu là những hạng mục có tính chiến lược, đánh giá vấn đề này từ phương diện kinh tế. Bà Bianchi phụ trách giám sát các nước châu Á trong USTR.
Vào các năm 2018 và 2019, chính quyền Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump đã áp dụng nhiều biện pháp thuế quan với hàng nghìn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, có tổng giá trị ở thời điểm đó vào khoảng 370 tỷ USD, với cáo buộc phía Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Các loại thuế áp dụng từ 7,5% với nhiều hàng tiêu dùng đến 25% với các loại xe, phụ tùng công nghiệp, chất bán dẫn và một số hàng điện tử khác. Những ngành hàng quan trọng không bị áp thuế có thể kể đến như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và máy chơi điện tử.
Các biện pháp thuế quan được áp dụng theo Điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974. Theo điều khoản này, các biện pháp cần được đánh giá lại sau 4 năm kể từ khi được áp dụng.
Quy trình này đã bắt đầu từ tháng 5/2022 với các bước thông báo đầu tiên. Bà Bianchi từ chối tiết lộ về việc liệu quy trình đánh giá đã hoàn tất hay chưa nhưng cho biết khoảng thời gian phù hợp là vào cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, việc tạm miễn áp thuế với 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã được USTR gia hạn vào cuối năm 2022 (thêm 9 tháng) cũng sắp hết hạn vào ngày 30/9 tới. Một số chuyên gia thương mại Mỹ cho rằng đó cũng có thể là thời điểm chính phủ Mỹ hoàn tất đánh giá về các biện pháp áp thuế với hàng hóa Trung Quốc.
Trước đó, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) cũng diễn ra ở Detroit (Mỹ), Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) đã lên tiếng phản đối các biện pháp thuế quan được áp dụng theo Điều khoản 301 như một vấn đề gây quan ngại khi gặp Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai.