Tuyên bố ngày 13/8 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump ưu tiên việc tìm kiếm sự đối xử công bằng và có đi có lại từ Trung Quốc.
Trong vòng hơn 4 thập kỷ qua, Trung Quốc đã được tiếp cận xã hội Mỹ một cách cởi mở và tự do nhưng đã từ chối điều này đối với công dân Mỹ và những nước khác ở Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã lợi dụng sự cởi mở của Mỹ để thực hiện các nỗ lực tuyên truyền ở quy mô lớn cũng như các chiến dịch tạo ảnh hưởng ở Mỹ.
Viện Khổng Tử tại Đại học Troy, bang Alabama, Mỹ (Ảnh: NAS) |
Chính vì vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ đã coi Viện Khổng tử ở Mỹ là một phái bộ của Trung Quốc với lý do, đây là một thực thể thúc đẩy chiến dịch tạo ảnh hưởng và tuyên truyền toàn cầu của Bắc Kinh tại các trường đại học và các trường học các cấp ở Mỹ. Các Viện Khổng Tử được Trung Quốc tài trợ và là một phần của bộ máy tuyên truyền và tạo ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo cũng nhấn mạnh, Mỹ muốn sinh viên nước này được tiếp cận những chương trình về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc mà không có sự thao túng của Trung Quốc và những lực lượng ủy nhiệm của nước này.
Tại sao Viện Khổng Tử?
Viện Khổng Tử từ lâu đã là một mục tiêu của các chính trị gia Mỹ mang lập trường cứng rắn. Nhiều người, như thượng nghị sỹ Marco Rubio đã kêu gọi các trường học trong bang California chấm dứt các thỏa thuận với Viện Khổng Tử. Ông gọi các viện Khổng Tử là "các chương trình do chính phủ Trung Quốc điều hành, sử dụng việc dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc như một công cụ để mở rộng ảnh hưởng chính trị" của Bắc Kinh.
Động thái của Washington gần như chắc chắn sẽ làm gia tăng hơn nữa căng thẳng với Bắc Kinh trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mâu thuẫn trên nhiều lĩnh vực. Ban đầu các Viện Khổng Tử nhận được sự hoan nghênh của nhiều trường, cơ sở giáo dục vì định hướng cách biệt rõ ràng giữa lịch sử, chính trị và các vấn đề đương đại. Tuy nhiên, một số nhà phê bình vẫn coi đây là một công cụ để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong trường hợp Bắc Kinh can thiệp vào các tài liệu giảng dạy và sự kiện học thuật bằng cách đe dọa cắt đứt nguồn tài trợ.
Theo Hiệp hội Học giả Quốc gia Mỹ, trong số 550 Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, có ít nhất 80 cơ sở đặt tại các trường đại học Mỹ. Hiệp hội này phản đối các Viện Khổng Tử vì cho rằng nguồn ngân sách hoạt động thiếu minh bạch và các chủ đề nhạy cảm với chính phủ Trung Quốc thường không được đề cập tới.
Khác với các Viện Goethe của Đức và Alliance Francaise của Pháp, các Viện Khổng Tử của Trung Quốc không vận hành độc lập. Đây cũng từng là tiêu điểm tranh cãi của các nước khác như Canada, Australia và Anh.