Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Bộ trưởng Mnuchin cho biết với chức năng chuyên phân tích nguy cơ an ninh tiềm tàng từ các thỏa thuận mà Washington đạt được với các đối tác nước ngoài, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) dưới sự lãnh đạo của Bộ Tài chính đang đánh giá về ứng dụng Tiktok. CFIUS có đủ thẩm quyền buộc các công ty hủy bỏ các thỏa thuận hoặc đề ra các biện pháp nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Bộ trưởng Mnuchin nêu rõ CFIUS sẽ đệ trình khuyến cáo liên quan đến TikTok lên Tổng thống Donald Trump trong tuần này.
Đại diện TikTok không đưa bình luận về thông tin trên, song cho biết nền tảng này đang làm việc để "phát triển một hạ tầng an ninh tốt nhất". Phía TikTok cũng phản đối điều mà công ty này gọi là "các cuộc tấn công ác ý" như quan điểm mà Facebook đưa ra. Theo TikTok, ứng dụng chia sẻ video đang nở rộ này giúp làm tăng tính cạnh tranh tại thị trường Mỹ.
Trước đó, ngày 28/7, một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã gia tăng sức ép lên TikTok, yêu cầu Chính phủ Mỹ đánh giá mối đe dọa từ ứng dụng này đối với nguy cơ can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ sắp tới.
Ứng dụng TikTok hiện có khoảng 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Ứng dụng này đặc biệt phổ biến với người dùng smartphone trẻ tuổi. Nền tảng này cho phép người dùng tạo các video ngắn từ 15 giây đến 1 phút. Kể từ khi ra mắt năm 2016, ứng dụng đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần, trở thành nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới.