Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 5/4 đã kêu gọi thực hiện mức thuế tối thiểu trên toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh khi các công ty hay các quốc gia cố gắng giảm giá thấp hơn giá của đối thủ bằng cách giảm chất lượng sản phẩm hoặc không quan tâm tới sự an toàn của người lao động hoặc trả lương thấp.
Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Hội đồng Chicago về Các vấn đề Toàn cầu tổ chức, Bộ trưởng Tài chính Yellen nhấn mạnh: “Chúng ta có thể cùng nhau sử dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu nhằm đảm bảo nền kinh tế toàn cầu phát triển dựa trên một sân chơi bình đẳng hơn trong việc đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia và thúc đẩy sự đổi mới, tăng trưởng và thịnh vượng”.
Theo bà Yellen, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” trên toàn cầu về thuế suất doanh nghiệp thông qua việc hợp tác với các nước khác trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) về một thỏa thuận đối với mức thuế tối thiểu toàn cầu.
Bà Yellen cho biết đây là nỗ lực quan trọng để đảm bảo rằng các quốc gia có thể nâng cao doanh thu mà họ cần để cung cấp các dịch vụ công cần thiết.
Bà Yellen nhận định tính cạnh tranh không chỉ là cách mà các công ty có trụ sở chính tại Mỹ cạnh tranh với các công ty khác trong các cuộc đấu thầu mua lại và sáp nhập toàn cầu, mà là việc đảm bảo rằng các chính phủ có hệ thống thuế ổn định nhằm tăng nguồn thu đủ để đầu tư vào các hàng hóa công thiết yếu và ứng phó với khủng hoảng, đồng thời tất cả các công dân đều chia sẻ một cách công bằng gánh nặng tài chính của chính phủ.
Cùng ngày, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết G20 đặt mục tiêu đạt được một thỏa thuận chính trị về các vấn đề thuế quốc tế vào tháng 7/2021 và chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đang làm việc để hướng tới mục tiêu đó.
Phát biểu trên của bà Yellen được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách thực thi kế hoạch đầu tư hạ tầng cơ sở hạ tầng được tài trợ từ khoản tiền có được thông qua việc tăng thuế đối với các công ty.
Tuần trước, Tổng thống Biden đã đề xuất một loạt thay đổi về thuế doanh nghiệp và cho rằng sự thay đổi này có thể huy động hơn 2.000 tỷ USD trong vòng 15 năm để trả cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo đó, thuế doanh nghiệp của Mỹ sẽ tăng từ 21% lên 28%, thuế tối thiểu của Mỹ đối với thu nhập từ nước ngoài của các công ty tăng lên 21% và thực hiện các bước nhằm ngăn các công ty chuyển trụ sở và công việc ra nước ngoài.
Đề xuất tăng thuế của chính quyền Tổng thống Biden đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ khi nhiều dư luận cho rằng điều này sẽ làm môi trường kinh doanh của Mỹ kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác đã cắt giảm thuế suất doanh nghiệp trong những năm gần đây.