Đáp trả động thái của Mỹ, Trung Quốc khẳng định không muốn tham gia các cuộc đàm phán này, đồng thời tuyên bố nếu Mỹ sẵn sàng cắt giảm kho vũ khí hạt nhân xuống ngang bằng với mức của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ tham gia đàm phán ba bên về kiểm soát vũ khí nêu trên. Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, việc Trung Quốc phản đối các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên là rất rõ ràng.
Theo Thứ trưởng S.Ryabkov, Nga không thay đổi quan điểm về việc mời Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán về cắt giảm vũ khí chiến lược. Bên cạnh đó, ông S.Ryabkov cho rằng cần có sự tham gia bắt buộc của Anh và Pháp trong trường hợp mở rộng danh sách những nước tham gia đàm phán.
Cổng thông tin Axios lưu ý rằng, Mỹ có sự “thay đổi” này một phần là do các cuộc đối thoại giữa nhà lãnh đạo Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin.
Ông Billingsley cũng nói với Axios rằng, tại Vienna, ông đã nói với phía Nga về các điều kiện để đạt được thỏa thuận trên cơ sở chỉ thị cụ thể và rõ ràng của Tổng thống Donald Trump. Bây giờ, theo ông, “quả bóng đang ở bên sân của Nga”.
Mỹ muốn Trung Quốc cũng phải tham gia Hiệp ước START-3 |
Cùng với điều này, Billingsley nói rằng, chính quyền Trump có lập trường “kép” trong việc gia hạn START-3. Mỹ sẽ đồng ý gia hạn Hiệp ước lần này nếu Nga ủng hộ “một khuôn khổ tham vọng hơn cho thỏa thuận hạt nhân trong tương lai”.
Theo quan điểm của phía Mỹ, Hiệp ước START là thỏa thuận vũ khí hạt nhân cuối cùng có thể được thực hiện trong thế giới quan lưỡng cực của Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, cách tiếp cận này không thể được áp dụng được trong một thế giới mà Trung Quốc đang tham gia chạy đua vũ trang.
Mỹ đang cố gắng chia rẽ Nga-Trung Quốc?
Bình luận về vấn đề Mỹ từ bỏ yêu cầu buộc Trung Quốc phải tham gia vào START-3, ông Wang Xianju, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề về Nga tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nói rằng, đây là vấn đề nằm trong chiến lược chia rẽ quan hệ Nga-Trung của Mỹ.
Ông cho biết rằng, gần đây, Hoa Kỳ đã tích cực đề nghị Nga gia nhập G7 theo định dạng mở rộng và muốn Trung Quốc tham gia đàm phán về hiệp ước START mới giữa Hoa Kỳ và Nga.
Theo chuyên gia này, để làm hỏng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, Mỹ sử dụng “quyền lực mềm” và “quyền lực thông minh”. Đó là lý do tại sao gần đây đã có sự gia tăng mạnh mẽ luận điệu cố gắng chia rẽ Trung Quốc và Nga và bôi nhọ mối quan hệ của họ trên các phương tiện truyền thông Mỹ và trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, việc Nga liên tục từ chối “miếng mồi” của Washington cho thấy hai nước có quan hệ hợp tác rất chặt chẽ. Ông Wang Xianju tin tưởng rằng trong những điều kiện này, việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc Trung Quốc và Nga là rất quan trọng.