Mỹ - Trung và cuộc chiến vi mạch không có... đường lùi

(ĐTTCO) - Ngày 21-5, Cơ quan Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc (CAC) đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu các công ty hạ tầng thông tin quan trọng ngừng mua các sản phẩm do Micron Technology sản xuất.
Kỹ thuật viên làm việc tại nhà máy sản xuất chip ô tô Micron Technology.
Kỹ thuật viên làm việc tại nhà máy sản xuất chip ô tô Micron Technology.

Vì Trung Quốc là thị trường cực lớn của Micron, nên động thái mới nhất này khiến cuộc chiến vi mạch Mỹ - Trung ngày càng leo thang và dường như không có lối thoát cho bất cứ bên nào.

Trung Quốc mở rộng tầm nhìn “bộ não”

Những con chip từ lâu được xem là “bộ não” của tất cả các thiết bị công nghệ, từ những vật dụng quen thuộc như tivi, máy giặt, tủ lạnh, vi tính, xe hơi, máy bay, tàu ngầm… và thậm chí là vệ tinh, tên lửa cùng các loại vũ khí tối tân trên chiến trường. Ai nắm được công nghệ này sẽ có ưu thế vượt trội cả về dân sự lẫn quân sự, cả về tầm ảnh hưởng trong kinh doanh lẫn địa chính trị.

Như đã đề cập trong bài Hồ sơ “Chiến tranh vi mạch - cuộc chiến cho vị trí siêu cường” ĐTTC đăng ngày 2-1, chính sự vượt trội trong công nghệ, mà đặc biệt là lĩnh vực vi mạch-chip, đã giúp Mỹ duy trì vị thế siêu cường suốt từ sau thế chiến thứ hai đến nay.

Nhận thức được điều này, Trung Quốc với tham vọng vươn lên vị trí siêu cường, nên từ lâu đã tìm nhiều cách nhằm rút ngắn khoảng cách về công nghệ với Mỹ, mà đặc biệt là trong lĩnh vực chip. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt với các công ty sản xuất chip. TSMC - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới ở Đài Loan, đã có nhà máy sản xuất ở Thượng Hải từ nhiều năm qua, trước khi mở thêm chi nhánh ở Mỹ.

Ngoài đầu tư trong nước, Trung Quốc cũng mở rộng tầm với thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài vào cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển giàu tài nguyên, đặc biệt là ở châu Phi, nhằm nắm giữ nguồn cung cấp các nguyên tố đất hiếm (REE) rất quan trọng đối với việc sản xuất chip và các linh kiện công nghệ.

Các ước tính hiện tại cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã trao hơn 1.000 tỷ USD cho nước ngoài để đầu tư vào “Sáng kiến Vành đai và Con đường” - một sáng kiến giúp Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên từ châu Á đến châu Âu và châu Phi, trong đó có đất hiếm. Dù vậy, Bắc Kinh đã dành 118 tỷ USD để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp trong nước của mình.

Mỹ chặn tầm nhìn

Cảm nhận sự đe doa từ Bắc Kinh, các chính trị gia Washington đã quyết định rằng họ cần phải làm nhiều hơn để kiềm chế Trung Quốc trong ngành công nghiệp chip. Năm ngoái, Mỹ đã đẩy mạnh cạnh tranh với Trung Quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn. Vào tháng 8, chính quyền Biden đã ký Đạo luật CHIPS và Khoa học, một chính sách công nghiệp trị giá 52,7 tỷ USD nhằm thúc đẩy nghiên cứu, tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và khôi phục sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ.

Đến tháng 10, Washington tiếp tục đưa ra các hạn chế lớn nhất cho đến nay đối với ngành sản xuất chip của Trung Quốc. Điều này hạn chế việc bán chip tiên tiến cho Trung Quốc, tước đi sức mạnh Trung Quốc cần để đào tạo trí tuệ nhân tạo trên quy mô lớn. Nó cũng mở rộng các hạn chế đối với các công cụ sản xuất chip và các ngành hỗ trợ chuỗi cung ứng chất bán dẫn, cắt đứt cả nhân lực và các thành phần Mỹ được sử dụng trong các công cụ sản xuất chip.

Chính quyền Biden thậm chí không chừa đường lui cho Bắc Kinh. Đó là Nhà Trắng không yêu cầu Bắc Kinh cải thiện hành vi thương mại cũng như không đưa ra lộ trình dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Do đó, dưới con mắt của giới lãnh đạo Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt mới đối với chất bán dẫn cho thấy chính phủ Mỹ đang tích cực “vũ khí hóa” quyền kiểm soát của mình đối với các công nghệ cốt lõi nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Trước tình hình này, chính phủ Trung Quốc đã nâng cao an ninh chuỗi cung ứng lên ưu tiên cao nhất. Theo đó, Trung Quốc xác định xung đột thương mại hiện tại với Mỹ là “chiến trường kinh tế chính”, và tuyên bố sẽ “hiện thực hóa sức mạnh tự thân và tự lập của công nghệ cấp cao”.

Để đạt được mục tiêu này, nhà nước sẽ huy động và tập trung mọi lực lượng để “tấn công vào điểm nghẽn công nghệ” và “chiến thắng trong cuộc chiến chinh phục công nghệ cốt lõi”, nhằm xây dựng “hệ thống quốc gia” mới cho nghiên cứu khoa học và củng cố “lực lượng công nghệ chiến lược quốc gia”.

Rủi ro biến dạng nền kinh tế

Những năm qua, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm bớt việc đầu tư cơ sở hạ tầng quá nóng. Chẳng hạn như chiến dịch giảm đòn bẩy tài chính, các quy định về bất động sản và các quy tắc sử dụng đất. Thay vào đó, thúc đẩy xây dựng các “công viên đổi mới”. Ngoài việc xây dựng các “công viên đổi mới”, phòng thí nghiệm khoa học, chính quyền địa phương còn xây dựng cơ sở hạ tầng bổ sung, chẳng hạn như đường sá, giao thông và các cơ sở công cộng khác.

Quá trình này được gọi “làm cho đất thô chín muồi”. Và cũng từ đây xuất hiện tình trạng tham nhũng khi lợi dụng chính sách ưu đãi này.

Trong một vụ gian lận nổi bật, một doanh nhân tên Cao Shan đã thành lập Công ty bán dẫn Vũ Hán Hongxin liên doanh với chính quyền quận Dongxihu nắm giữ 10% cổ phần. Lời hứa sản xuất chip 10 nanomet và 7nm của ông đã giành được sự tin tưởng của các quan chức địa phương.

Hongxin thậm chí đã thuê cựu Phó Chủ tịch của TSMC, Chiang Shang-Yi và mua máy quang khắc 7nm của ASML để thể hiện sự tiến bộ và thu hút thêm đầu tư. Tuy nhiên, một cuộc điều tra cho thấy Hongxin chưa bao giờ sản xuất, thậm chí thế chấp máy quang khắc cho ngân hàng ngay sau khi nhận được các khoản trợ cấp bổ sung từ chính phủ. Tổng cộng, quận Dongxihu đã lãng phí hơn 15,3 tỷ NDT trước khi các nhà báo vạch trần vụ lừa đảo.

Tại Mỹ, Đạo luật Khoa học và CHIPS, cũng như lệnh cấm chất bán dẫn, đang sao chép công thức thất bại của Trung Quốc. Đầu tiên, nó không hiệu quả trong việc loại bỏ hoàn toàn Trung Quốc khỏi chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, do Trung Quốc là thị trường quan trọng. Thứ hai, chính sách công nghiệp sẽ gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Mỹ, bằng cách khuyến khích các đại gia bán dẫn toàn cầu “phi Mỹ hóa” chuỗi sản xuất chất bán dẫn.

Nhiều nhà sản xuất chip của Mỹ đang xem xét việc xây dựng các nhà máy tiên tiến ở châu Á, bằng cách sử dụng thiết bị của Mỹ được sản xuất ở nước ngoài. Những thiết bị này có thể cung cấp cho khách hàng Trung Quốc và vượt qua sự kiểm soát của Mỹ.

Cuộc chiến vi mạch Mỹ-Trung đang gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của cả 2 nước trong lĩnh vực chip bán dẫn.

Các tin khác