Kể từ khi Cơ quan Chỉ đạo các Dự án nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của Lầu Năm Góc, hay còn gọi là DARPA, bắt đầu hình thành cái gọi là “làn sóng đầu tiên” của AI vào những năm 1960, Mỹ luôn được xem là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc áp dụng AI.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của AI, trong đó Trung Quốc nổi lên như một quốc gia đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.
Mỹ vung tỷ USD vào cuộc đua AI với Trung Quốc
Chính vì vậy, trong bài phát biểu tại một hội nghị quốc tế do Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ nhân tạo tổ chức, ông Lloyd Austin cho rằng: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói rõ rằng họ dự định sẽ thống trị toàn cầu về AI vào năm 2030. Bắc Kinh đã nói về việc sử dụng AI cho một loạt các nhiệm vụ, từ giám sát đến tấn công mạng đến vũ khí tự động. Và trong lĩnh vực AI, cũng như nhiều lĩnh vực khác, chúng tôi hiểu rằng Trung Quốc đang thách thức về tốc độ phát triển của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ cạnh tranh để giành chiến thắng, nhưng chúng tôi sẽ làm điều đó một cách đúng đắn”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng, nỗ lực này sẽ không chỉ liên quan đến các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ mà còn cả các trường đại học và doanh nghiệp nhỏ.
Vào tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Austin đã ký ban hành một tài liệu chiến lược mới cho Bộ Chỉ huy và Kiểm soát chung (JADC2) nhằm thúc đẩy việc kết nối dữ liệu quan sát và trinh sát từ tất cả các chi nhánh của quân đội thành một mạng duy nhất. AI và các công nghệ khác sẽ được sử dụng để vạch ra một kế hoạch tối ưu, cắt giảm thời gian cần thiết từ việc phân tích tình hình hiện trường đến hành động.
Theo nhận định của một số nhà quan sát cho thấy, Trung Quốc đang bắt kịp Mỹ trên đất liền, trên biển, trên không, hàng không vũ trụ và không gian mạng, thậm chí còn vượt xa sức mạnh của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Khi 2 bên đã cân sức hơn, tốc độ thu thập và phân tích dữ liệu tình báo để đưa ra các chiến thuật phù hợp vào hành động sẽ có vai trò quyết định.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích và đánh chặn tên lửa của đối phương. Ảnh: Reuters
Theo một quan chức cấp cao, Lầu Năm Góc sẽ hợp tác với hơn 30 quốc gia trên thế giới để triển khai khuôn khổ JADC2. Nếu xung đột nổ ra, việc kết hợp dữ liệu của các quốc gia đồng minh sẽ cải thiện độ chính xác của thông tin tình báo.
Trong bài phát biểu của mình, Austin nhấn mạnh rằng việc sử dụng AI phải “có trách nhiệm, công bằng, có thể truy vết, đáng tin cậy và có thể kiểm soát được”.
Các nhà phê bình đã đưa ra lo ngại về nguy cơ xuất hiện các “robot giết người” tự động, có khả năng thực hiện các cuộc tấn công mà không cần sự can thiệp của con người. Có rất ít cuộc thảo luận được đưa ra xung quanh các quy định quốc tế về việc sử dụng AI trong chiến tranh.
Tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Bộ Ngoại giao sẽ đưa ra chiến lược sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả trong chính sách đối ngoại nhằm có thể “giúp Bộ Ngoại giao dự đoán nơi nào sẽ xảy ra nội chiến, nạn đói, hoặc khủng hoảng kinh tế cùng cách phản ứng hiệu quả hơn”.
Liên quan đến vấn đề này, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan lưu ý rằng, gần đây chính phủ đã thành lập một nhóm làm việc về công nghệ mới nổi với sự hợp tác của các quốc gia trong nhóm Bộ tứ bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Nhóm này sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực bao gồm các vấn đề về chuỗi cung ứng và thông tin di động 5G.