Lạc nhịp
Dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019. Các TTCK ngoài Trung Quốc chưa bị ảnh hưởng cho tới tháng 2-2020. TTCK Mỹ đạt đỉnh trong tuần áp chót tháng 2 sau khi châu Âu bùng phát dịch bệnh và Mỹ dừng các chuyến bay thương mại với khối này. Nhưng sau khi dịch lan khắp toàn cầu, các TTCK đều có chung một diễn biến là sụt giảm mạnh.
Chỉ số DJA giảm 37,1%, S&P500 giảm 33,9% và Nasdaq giảm 30,1%. Tuy TTCK Mỹ giảm kỷ lục trong nhiều thập niên, nhưng từ tháng 3 đến nay là thị trường tăng mạnh nhất thế giới. Nasdaq phục hồi vượt đỉnh trước Covid-19 ngay trong tháng 6. S&P500 giữa tháng 8 quay trở lại sát đỉnh lịch sử đầu tháng 2-2020. Duy nhất chỉ số DJA vẫn thấp hơn đỉnh tháng 2 hơn 5%. Nói cách khác, nếu nhìn vào các chỉ số, TTCK Mỹ đã không còn dấu vết của dịch Covid-19.
Trong khi đó VN Index phục hồi khá tốt 36,5% kể từ đáy tháng 3. Nhưng kể cả khi lên cao nhất 900 điểm, chỉ số này vẫn thấp hơn thời điểm trước Covid khoảng 9,2%. Đặc biệt kể từ đầu tháng 6 khi TTCK Việt Nam bắt đầu điều chỉnh giảm hơn 6% tính đến cuối tuần qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ: S&P500 tăng từ đầu tháng 6 khoảng 3%, Nasdaq tăng gần 7%.
Hiện tượng lạc nhịp này khiến NĐT trong nước cảm thấy thiệt thòi. Trong khi Việt Nam kiểm soát rất tốt dịch bệnh, số ca mắc mới ít, số tử vong thấp, tăng trưởng kinh tế tuy chậm nhưng vẫn ở mức dương, Mỹ lại chứng kiến hàng trăm ngàn ca tử vong, hàng triệu ca nhiễm bệnh và GDP quý II giảm 32,9%, mức thấp nhất từ năm 1947, tồi tệ gấp 4 lần quý tệ nhất trong thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008. Ngay cả khi tính tới các yếu tố định giá cơ bản như hệ số P/E, VN Index lúc cao nhất 900 điểm cũng chưa tới 15 lần. Trong khi tính đến ngày 11-8, hệ số P/E của S&P500 vào khoảng 28,66 lần, mức cao nhất chỉ sau thời điểm khủng hoảng cổ phiếu công nghệ năm 2000 và trước khủng hoảng tài chính 2008. P/E của chỉ số DJIA cũng khoảng 28,04 lần. P/E của Nasdaq khoảng 23,5 lần.
“Tiền trực thăng” và làn sóng đầu cơ
“Tiền trực thăng” và làn sóng đầu cơ
Riêng việc so sánh mức độ tăng trưởng của 2 thị trường ở 2 đẳng cấp khác nhau đã mang tính tương đối. Một thị trường cận biên như Việt Nam không thể so kè với thị trường phát triển như Mỹ. Trong điều kiện bình thường, biến động trên TTCK Mỹ thường mang tính chỉ dẫn cho tất cả thị trường khác. Điều đặc biệt hơn, dịch Covid-19 đã tạo ra bối cảnh không giống nhau giữa các quốc gia, khi những chính sách kích thích kinh tế ở quy mô và cách thức khác nhau có tác động rất lớn đến thị trường tài sản nói chung, trong đó có TTCK. Kể từ khi dịch bệnh bùng nổ khắp thế giới trong tháng 3, hàng loạt quốc gia và các khối kinh tế đã tung ra những biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có. Chính các gói kích thích này đã khiến các TTCK biến động không giống nhau.
Gói kích thích kinh tế 2.000 tỷ USD của Mỹ cuối tháng 3 được giới đầu tư gọi là “bom nguyên tử”, vì chưa từng có tiền lệ cả ở cách thức lẫn quy mô. Chẳng hạn, 250 tỷ USD sẽ được đưa trực tiếp cho cá nhân và hộ gia đình với lượng tiền mặt có thể lên tới 3.000USD. Người có thu nhập không quá 75.000USD/năm được cho không 1.200USD. Người thất nghiệp được nhận 600USD mỗi tuần trong 4 tháng. Hàng trăm tỷ USD khác hỗ trợ các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng. Chính sách “tiền trực thăng” - tiền hỗ trợ trực tiếp đến người dân - cộng với tình trạng cách ly bất ngờ, đã tạo nên nguồn lực đột biến trên thị trường.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng hành động chưa từng có tiền lệ, khi liên tục bơm tiền vào thị trường tiền tệ ngắn hạn và mua trái phiếu doanh nghiệp ở quy mô khổng lồ. Trong 6 tháng đầu năm 2020 Fed đã mua gần 3.000 tỷ USD trái phiếu và chứng chỉ quỹ ETF trái phiếu. Tổng hợp các chính sách chưa từng có này đã bơm lượng tiền khổng lồ, liên tục và được đảm bảo sẽ không bao giờ cạn cho tới khi đạt hiệu quả kích thích kinh tế.
Trong khi đó các chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam không hướng trực tiếp đến TTCK, chỉ hướng tới những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Các đối tượng này lại không phải là những người có liên hệ với TTCK. Thậm chí ngày 10-8 vừa qua Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu các ngân hàng giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tổ chức tín dụng cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…
NĐT tiếc nuối hay cảm thấy thiệt thòi cho TTCK trong nước, cần nhìn ra thế giới để hiểu rõ hơn những hạn chế về nguồn lực của TTCK Việt Nam. |
NĐT không lạ gì tình trạng “méo mó” của VN Index do trọng số vốn hóa quá lớn của một vài cổ phiếu hàng đầu. Thế nhưng các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng “méo mó” như vậy. Vì vậy không có gì bất ngờ khi Nasdaq là chỉ số đầu tiên vượt đỉnh Covid và tăng gần 62% kể từ đáy tháng 3. |