Nắm bắt xu hướng nhập khẩu và khai thác kênh phân phối

(ĐTTCO) - “Thị trường đồ nội thất châu Âu nhiều cơ hội nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt. Khi các nước sản xuất với số lượng lớn chiếm ưu thế ở phân khúc thấp, phân khúc trung cấp và cao cấp là lựa chọn tốt nhất cho doanh nghiệp. Để thâm nhập những phân khúc thị trường này, nhà sản xuất/xuất khẩu cần tăng giá trị cho sản phẩm của mình thông qua thiết kế, tay nghề tinh xảo, tính bền vững và giới thiệu về sản phẩm đó”. 
Đó là khuyến cáo của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu (CBI) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan trong báo cáo về thị trường đồ nội thất châu Âu được công bố hồi tháng 8 năm ngoái. 
Theo CBI, để có thể thâm nhập thị trường châu Âu, nhà sản xuất/xuất khẩu cần tuân thủ các yêu cầu bắt buộc về pháp lý của Liên minh châu Âu (EU), cũng như bất kỳ yêu cầu bổ sung hoặc thích hợp nào người mua có thể đưa ra.
Tuy nhiên, ngoài việc đáp ứng những đòi hỏi thường thấy như chất liệu an toàn hay bao bì đóng gói, tính bền vững về môi trường và xã hội sẽ giúp sản phẩm của nhà sản xuất/xuất khẩu nổi bật trên thị trường châu Âu và người mua đánh giá cao. Do đó, cần hết sức lưu ý đến việc xử lý nguyên liệu và quy trình sản xuất bền vững, cũng như tác động của doanh nghiệp đối với môi trường, đời sống của người lao động và xã hội nói chung.
Nắm bắt xu hướng nhập khẩu và khai thác kênh phân phối ảnh 1 Phân khúc thị trường đồ nội thất ở châu Âu.
Theo thống kê của CBI, cho đến nay Trung Quốc là nhà cung cấp đồ nội thất lớn nhất cho châu Âu với thị phần 34%, kế đó là  Ba Lan 13%, Đức 9,6%. Các nước chiếm thị phần đáng kể 4% là Ấn Độ, Hà Lan và Estonia. Với 991 triệu EUR trong tổng số nhập khẩu 1,3 tỷ EUR, Trung Quốc chiếm 75% lượng đồ nội thất châu Âu nhập từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của các nước đang phát triển khác (6,6% từ 2015-2019) cao hơn của Trung Quốc (4,5%).
Như vậy sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường này sẽ bị lung lay. Ngoài ra, những gián đoạn như cuộc chiến thương mại với Mỹ và ảnh hưởng của Covid-19 có thể tác động tiêu cực đến giao thương của Trung Quốc, và điều này  có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp các nước đang phát triển khác.
Theo đánh giá của CBI, để tiếp cận hiệu quả thị trường châu Âu, nhà sản xuất/xuất khẩu cần nắm rõ hệ thống kênh bán hàng doanh nghiệp, vai trò của các quốc gia và các đối tượng kinh doanh có liên quan. Hầu hết nhà nhập khẩu Tây Âu không chỉ bán sản phẩm của họ trong nước mình còn trên khắp cựu lục địa. Điều này lý giải tại sao đối với hàng dệt may và trang trí nội thất (HDHT), các nước nhỏ như Đan Mạch và Hà Lan nhập khẩu nhiều hơn nhu cầu tại thị trường nội địa.
Các nhà nhập khẩu bán buôn là kênh chính giữa các nhà sản xuất/xuất khẩu ở các nước đang phát triển và các nhà bán lẻ châu Âu. Do có kiến thức tốt về thị trường châu Âu, họ là đối tác cho nhà sản xuất/xuất khẩu muốn phát triển mối quan hệ lâu dài. Họ có thể cung cấp cho nhà sản xuất/xuất khẩu thông tin và hướng dẫn có giá trị về sở thích của thị trường châu Âu, cung cấp đầu vào hay yêu cầu thiết kế cụ thể.
Tuy nhiên, khi thị trường ngày càng trở nên cạnh tranh, các nhà bán lẻ lớn/chuỗi bán lẻ ngày càng có xu hướng tự nhập khẩu cho mình, thay vì thông qua các nhà nhập khẩu/bán buôn. Lý do là họ muốn giảm chi phí phải trả cho người bán buôn và thời gian giao hàng đến thị trường. Trong bối cảnh đó, các nhà bán lẻ tự nhập khẩu có thể đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn với nhà sản xuất/xuất khẩu.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ nhỏ hay độc lập vẫn tiếp tục mua chủ yếu từ các nhà bán buôn/nhập khẩu trong nước. Họ thường thích số lượng đặt hàng nhỏ cho mỗi mặt hàng, tổng khối lượng đặt hàng nhỏ và giao hàng tận nơi, với khả năng lặp lại đơn đặt hàng hạn chế. Như vậy, khi giao dịch trực tiếp với những đối tượng này, nhà sản xuất/xuất khẩu cần tính toán xem có thực sự hiệu quả.
Theo dự báo của CBI, xu hướng tìm nguồn cung ứng trực tiếp sẽ tiếp tục trong tương lai và có thể tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nhà sản xuất/xuất khẩu ở các nước đang phát triển. Nhóm người mua có thể tăng lên nếu nhiều nhà bán lẻ trở thành nhà nhập khẩu hơn, dẫn đến khả năng vị thế thương lượng của nhà sản xuất/nhập khẩu sẽ được cải thiện. Các nhà bán lẻ nhập khẩu có thể đặt hàng cho các cửa hàng của họ, do đó làm động tác này nhanh hơn so với các nhà nhập khẩu/nhà bán buôn, bỏ qua công đoạn trước đây là nhà bán lẻ phải xem hàng mẫu trước khi đặt hàng nhà sản xuất/xuất khẩu.
Xu hướng nói trên đáng được nhiều doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nội thất lưu ý và khai thác. Theo ông Kiên Phạm, Giám đốc Công ty Tư vấn ngoại thương và kết nối doanh nghiệp K&P Global Ltd trụ sở đặt tại London, Anh, trước đây nhiều doanh nghiệp Việt thường theo những phương cách tiếp cận thị trường truyền thống như khách hàng tự tìm đến, thông qua hội chợ trong nước và quốc tế.
Một số thông qua các kênh bán hàng thương mại điện tử, nhưng chủ yếu kênh bán các loại không tập trung vào hàng nội thất như Alibaba, Amazon. Một số khác bán qua các công ty thương mại với chi phí cao và chưa có công ty chuyên về nội thất. Phần còn lại bán qua mối quan hệ và cộng đồng người Việt với quy mô nhỏ lẻ.
Một kênh để thâm nhập thị trường châu Âu và các thị trường lớn khác nhà sản xuất/xuất khẩu từ Việt Nam có thể khai thác là sàn giao dịch Trade Axis, với cơ hội tiếp cận hơn 1.000 nhà bán buôn. Sàn giao dịch này được sở hữu và quản lý bởi RetailSystem, công ty của Anh quản lý hơn 1.000 nhà bán buôn tại thị trường Anh, châu Âu, Mỹ, Australia và Nam Phi. Ông Kiên cho biết K&P Global Ltd đã ký thỏa thuận hợp tác với RetailSystem để cung cấp nền tảng thương mại điện tử giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam tiếp cận đầy đủ thông tin về các nhà phân phối nội thất tại mỗi thị trường cụ thể.
Theo giải thích của ông Kiên, khi tham gia kênh này, doanh nghiệp nội thất Việt Nam sẽ được tạo gian hàng miễn phí, thay vì phải tham gia hội chợ 3-5 ngày để trưng bày sản phẩm, với những tương tác quảng cáo sinh động và thay đổi hay cập nhật liên tục. Vì đây là giao diện trực tuyến nên chỉ cần có internet là có thể triển khai và tiết kiệm chi phí. Điều thuận lợi là RetailSystem có đội ngũ tại mỗi thị trường trên để tư vấn về hình ảnh, ngôn ngữ cho phù hợp văn hóa mỗi khu vực. Chỉ khi bán được hàng mới tính phí nên khi nhà máy đưa hàng lên Retailsystem sẽ hỗ trợ tối đa để ra đơn hàng.  

Các tin khác