Phần lớn các NH đều có thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ được chú trọng nhiều gần đây. Nhưng điểm chung của các gói tín dụng này là lãi suất ưu đãi chỉ trong một thời gian ngắn, trong khi doanh nghiệp lại cần vốn dài hạn cho sản xuất.
Ưu đãi ngắn hạn
NHTMCP Đông Nam Á (SeABank) đang triển khai chương trình “Ưu đãi tăng trưởng tín dụng khách hàng doanh nghiệp 2015”. Theo đó, doanh nghiệp vay ngắn hạn bằng VNĐ để bổ sung vốn lưu động sẽ được hưởng mức lãi suất vay chỉ từ 7,5%/năm và 3,5%/năm đối với vay ngắn hạn bằng USD. Cũng giống như nhiều chương trình ưu đãi lãi vay trước đây, thời gian vay ưu đãi cho doanh nghiệp tối đa 3 tháng.
SeABank chỉ thông tin là chương trình sẽ triển khai trong cả năm 2015 đối với khách hàng là doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề trên toàn quốc, mà không có nhiều thông tin khác kèm theo cho gói ưu đãi này. Một NH khác là Sacombank, tính từ đầu năm đến nay Sacombank đã triển khai 11 gói ưu đãi lãi suất cho vay trị giá 30.000 tỷ đồng và 130 triệu USD để hỗ trợ các doanh nghiệp trên cả nước.
Sacombank còn cho biết dành nguồn vốn 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2015 và 10.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi doanh nghiệp tại các quận/huyện trên địa bàn TPHCM và một số tỉnh thành khác trong chương trình kết nối NH - doanh nghiệp của NHNN.
Hiện tại gói ưu đãi lãi vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp siêu nhỏ cũng được nhiều NH cổ phần hướng đến. Chẳng hạn như NHTMCP Quốc Dân triển khai gói cho vay có tên “siêu ưu đãi lãi suất thấp” cho nhóm doanh nghiệp này, mức lãi suất đặc biệt ưu đãi được đưa ra 6,2%/năm với kỳ hạn không quá 3 tháng. LienVietPost Bank cũng xây dựng gói vay có tên “Gói sản phẩm SME 6 ưu đãi” về lãi suất, phí dịch vụ…
Nhìn chung phần lớn các NHTMCP hiện nay như MB, Techcombank, VPBank, PVcomBank, VIBank, NamAbank…đều có chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp và các gói ưu đãi lãi suất cho nhóm doanh nghiệp SME. Quan sát thông tin từ các NH đều cho thấy mức lãi suất hấp dẫn đủ các mức, giao động từ 6,2%-7%/năm đối với cho vay VNĐ và 2,5-3%/năm đối với cho vay USD. Các mức lãi suất này đều thấp hơn so với mức vay mà theo nhiều doanh nghiệp họ phải trả trên thực tế đối với vay trung, dài hạn từ 10-11%/năm và vay ngắn hạn dao động 8-8,5%/năm.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kiến nghị Chính phủ nên có gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp tiếp cận vốn NH trung và dài hạn với lãi suất thấp và ổn định trong 5-10 năm, từ đó doanh nghiệp mới có nguồn vốn mua máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo PGS. Ngân, nhóm doanh nghiệp SME chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp, nhưng nguồn vốn và kỹ thuật công nghệ, quản lý còn hạn chế. Trong khi đó các NH cũng chỉ muốn cho vay ngắn hạn để đảm bảo tính an toàn hơn so với cho vay trung và dài hạn.
Nhưng cân nhắc khi vay
Tính đến đầu tháng 6-2015, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, một trong các gói cho vay ưu đãi điển hình nhất vẫn đang được giải ngân khá ì ạch. Sau hơn 2 năm triển khai gói này mới chỉ được các NH cam kết cho vay hơn 13.000 tỷ đồng và đến tay người vay mới được gần 8.000 tỷ đồng. Còn các gói tín dụng ưu đãi được các NH tự thiết kế vẫn chưa có đơn vị nào báo cáo số liệu cụ thể về tình hình giải ngân. Do đó cũng khó có đánh giá xác thực về tình hình vay vốn của doanh nghiệp đối với các gói ưu đãi.
Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp đa số cho rằng cần nguồn vốn dài hạn để kinh doanh, trong khi các chương trình chỉ ưu đãi thời gian ngắn vài tháng đầu và sau thời gian đó người vay phải chịu lãi suất thả nổi. Rủi ro lãi suất doanh nghiệp ngại tiếp cận còn đến từ việc lo ngại lãi suất cho vay sẽ đảo chiều. Gần đây, một số NH tiến hành tăng lãi suất huy động để cân đối nguồn vốn cho vay. Do vậy dự báo lãi suất cho vay sẽ khó giảm như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, vấn đề được nhiều chuyên gia đề cập chính là nguồn vốn ưu đãi vẫn chưa tìm đúng địa chỉ. Thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng cần vốn ưu đãi. Những doanh nghiệp lớn dư thừa tiền mặt và phải chọn cách gửi NH và không mặn mà trong việc vay thêm. Trong khi đó những doanh nghiệp nhỏ lại không “gõ cửa” được vì NH lo ngại “dính” nợ xấu. Do đó không thiếu trường hợp doanh nghiệp bất chấp việc chấp nhận vay vốn lãi suất cao.
Tại buổi tiếp xúc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM và lãnh đạo các NH, đại diện các doanh nghiệp đều có mong muốn lãi suất cho vay trung, dài hạn được kéo về 9%/năm thay vì 10-11% như hiện nay. Một doanh nghiệp ngành nhựa chia sẻ mức lãi suất vay 7-8%/năm chỉ là danh nghĩa và trong một số chương trình ưu đãi chiếm tỷ lệ nhỏ. Còn đại diện NH cho rằng lãi suất trung, dài hạn 11%/năm chủ yếu dành cho lĩnh vực phi sản xuất, còn hiện nay khối NH có vốn nhà nước chi phối cho vay chỉ tầm 9%/năm.
Xem ra nguồn vốn rẻ trên thị trường vẫn đang được tung ra nhiều nhưng vấn đề ở chỗ chưa tìm đúng đến đối tượng cần thực sự để mang lại hiệu quả. Tín dụng trong nền kinh tế những tháng đầu năm đã tăng trưởng tốt. Điều này cho thấy nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã tăng trở lại và là tín hiệu tích cực hiện cho nền kinh tế.