Cuốn sách đã làm sáng tỏ, đặc điểm của khiếu nại và giải quyết khiếu nại về đất đai.
Trong cuốn sách, tác giả cho biết tại Việt Nam, từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nước ta ngày càng hội nhập sâu với kinh tế thế giới nên pháp luật về đất đai cũng phải thường xuyên thay đổi cho phù hợp. Đến nay, Nhà nước đã giảm dần việc can thiệp sâu vào quyền sử dụng đất của chủ thể được trao quyền, chú trọng hơn đến quá trình hoạch định chính sách đất đai và tăng cường quản lý nhà nước về đất đai nhằm đảm bảo đất đai được bảo vệ, quản lý, sử dụng theo đúng định hướng của Nhà nước. Sự đổi mới cả về tư duy và hành động này đã phát huy hiệu quả to lớn, đất đai được khôi phục về đúng giá trị thật của nó, tạo nguồn lực to lớn để phát triển đất nước.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, pháp luật về đất đai vẫn còn những bất cập, hạn chế như hoạt động quản lý nhà nước về đất đai còn bộc lộ nhiều yếu kém, tư duy can thiệp sâu vào quyền được trao cho người sử dụng đất của các chủ thể quản lý nhà nước vẫn còn tồn tại. Tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng, phân phối đất đai, sự lạm quyền của cán bộ, công chức hay tình trạng tham nhũng về đất đai vẫn còn xảy ra. Từ đó, tình trạng khiếu nại về đất đai diễn ra thường xuyên, liên tục, thậm chí gay gắt, phức tạp.
Trong bức tranh chung về khiếu nại, tố cáo hành chính ở nước ta thì số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ lớn (tương đương 70%) và diễn biến phức tạp, nhất là số vụ việc khiếu nại đông người liên quan đến đất đai, nhà ở, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Do đó, hoạt động khiếu nại và giải quyết khiếu nại là 2 mặt không thể tách rời của đời sống xã hội, góp phần bảo đảm quyền của người sử dụng đất, tính thượng tôn pháp luật, cũng như góp phần tạo sự công bằng xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
TS. Võ Phan Lê Nguyễn đã đúc kết, chỉ ra cơ chế giải quyết khiếu nại về đất đai là hệ thống các yếu tố hợp thành, tác động lẫn nhau theo một cách thức đã định sẵn trong quá trình tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại nhằm đảm bảo quyền khiếu nại của người sử dụng đất. Trên cơ sở phân tích các ưu điểm, hạn chế của pháp luật khiếu nại và giải quyết khiếu nại về đất đai, độc giả sẽ biết được các giải pháp, những kiến nghị hoàn thiện nhằm đảo bảo việc thực hiện quyền khiếu nại của người sử dụng đất và hiệu quả giải quyết khiếu nại của các chủ thể có thẩm quyền.