Dưới góc nhìn của DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ông TRẦN THẾ DŨNG, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, đã có cuộc trao đổi với ĐTTC xung quanh quy định mới này.
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về quy định quản lý HDV theo Luật Du lịch 2017?
Ông TRẦN THẾ DŨNG: - Theo Luật Du lịch 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, điều kiện hành nghề HDV bổ sung thêm nhiều yêu cầu mới. Ngoài thẻ HDV du lịch, họ phải có hợp đồng lao động với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch, hoặc hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
Bên cạnh đó, HDV du lịch phải có hợp đồng hướng dẫn với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch. Đối với HDV du lịch tại điểm, phải có sự phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Luật đưa ra để hướng tới sự chuyên nghiệp, tạo ra môi trường làm việc có chất lượng, nhằm nâng cao hình ảnh, chất lượng của các sản phẩm du lịch, các DN lữ hành, và khi đã chuyên nghiệp hình ảnh du lịch chung cũng sẽ đẹp hơn. |
Làm trong ngành du lịch hơn 30 năm, tôi nhận thấy để trở thành một HDV lành nghề phải mất 5-7 năm tôi luyện và trải nghiệm, còn để đạt mức giỏi phải cần không dưới 10 năm. Còn thực tế hiện nay không ít HDV chỉ như người dẫn đường. Khi chất lượng tour kém sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty và rộng hơn là hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Khi làm tự do, các HDV có quyền lựa chọn DN, lựa chọn tour và không tránh khỏi những tiêu cực khi HDV làm tự do. Chính vì vậy khi quy định mới được thực thi sẽ bị phản ứng mạnh từ các HDV tự do, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải làm quyết liệt. Là DN lữ hành tôi đã chuẩn bị các phương án để hợp tác với các HDV tự do như: làm HDV cơ hữu có lương khoán, hợp tác theo hình thức cộng tác viên…
Theo luật Du lịch 217, HDV phải đủ các điều kiện mới được hành nghề. Ảnh: T.H
- Không ít HDV tự do đang lo lắng khi hợp tác với DN thu nhập của họ sẽ giảm, hay khi tham gia vào câu lạc bộ, hiệp hội cũng không mang lại hiệu quả. Ông có ý kiến gì về điều này?
- Theo tôi, những người có ý kiến về việc khi đầu quân cho DN thu nhập sẽ thấp hơn do họ đi tour liên tục, nhưng con số này không nhiều. Thực tế có rất nhiều HDV du lịch đang bị “ế” tour, nên nếu ký hợp đồng với DN lữ hành có khi họ còn an tâm hơn. Chúng tôi là DN phải tính toán để đảm bảo thu nhập cho các nhân viên. Nhìn ở góc độ thực tế, khi làm tự do không ít HDV tung hoành, chụp giật nên họ không muốn vào làm trong DN. Nhưng cần nhìn xa hơn khi vào DN, các HDV được bảo vệ, bản thân được nâng tầm kiến thức, kinh nghiệm.
Còn việc tham gia câu lạc bộ, hiệp hội, theo tôi trước đây có thể chưa hiệu quả, nhưng tôi hy vọng khi đã có luật các sinh hoạt của câu lạc bộ, hiệp hội sẽ phong phú hơn. Phía câu lạc bộ, hiệp hội tạo ra những buổi sinh hoạt, giao lưu tạo môi trường cho các anh em HDV học hỏi, nâng cao kinh nghiệm, kiến thức. Ngoài ra câu lạc bộ, hiệp hội cũng sẽ đóng vai trò là đơn vị bảo lãnh, hợp tác với các DN lữ hành, trở thành đầu mối kết nối DN và HDV. Điều này thực sự có lợi cho các HDV.
- Các DN lữ hành khác có cái nhìn đồng tình với quy định mới hay không?
- Theo suy nghĩ chủ quan của tôi, phần nhiều DN lữ hành đều đồng tình với quy định mới này. Có lẽ chỉ một số ít DN làm ăn thiếu căn cơ mới không đồng ý, bởi họ không muốn tốn thêm chi phí nuôi bộ máy, cũng như các chi phí đào tạo…
Trong quá trình làm việc với các HDV tự do, chúng tôi cũng không ít lần bị “hố” do HDV bội tín. Như vào những dịp cao điểm du lịch, trong khi chúng tôi chỉ có hơn 10 HDV cơ hữu trong khi nhu cầu lên tới 30 người, chúng tôi phải huy động thêm các HDV tự do. Có HDV giỏi chúng tôi đã mời làm tour nhưng sau đó họ bội tín do có những lựa chọn tốt hơn.
Trong những trường hợp như vậy DN bị động buộc phải chắp vá và rất lo lắng bởi nếu có chuyện gì xảy ra, hình ảnh công ty sẽ bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh cạnh tranh rất khốc liệt, tìm được khách hàng, giữ được hình ảnh đẹp trong khách là hết sức cần thiết. Vì vậy tôi ủng hộ tối đa quy định mới.