Phát triển nhà ở đồng bộ hạ tầng
Thời gian qua, tại TPHCM nhiều chung cư cao tầng mọc lên ở những nơi hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đảm bảo, đã hình thành các khu dân cư nhếch nhác. Đặc biệt, tại khu vực nội đô, nơi có mật độ dân cư cao, đường sá chật hẹp nhưng các dự án cao tầng vẫn được cấp phép, phá vỡ chỉ tiêu quy hoạch dân số và cảnh quan đô thị.
Trước thực trạng này, UBND TP đã xây dựng và trình HĐND TP chương trình phát triển nhà ở với nhiều nội dung mới. Theo đó, phát triển nhà ở phải đảm bảo đồng bộ và thống nhất với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại để sử dụng đất hiệu quả, tạo quỹ đất phát triển giao thông, công viên, chỗ đậu xe… Trong đó, tỷ lệ nhà ở chung cư chiếm 90% trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới.
TP sẽ triển khai các dự án phát triển nhà ở theo hướng phát triển đô thị đa trung tâm, với trung tâm hành chính tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp TP tại 4 hướng: 2 hướng chính Đông và Nam, hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam). |
Trong chương trình mới này, TP khuyến khích phát triển nhà ở thương mại (NoTM) giá thấp, nhà ở cho thuê, NoXH, góp phần hạn chế việc xây dựng nhà không phép, trái phép ở khu vực ngoại thành. Các dự án này được vay vốn ưu đãi hoặc vay vốn hỗ trợ kích cầu của TP. Tại khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1 và 3), ưu tiên dự án cải tạo, xây mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975; không phát triển dự án mới đầu tư nhà ở cao tầng đến năm 2020. Khu vực 11 quận nội thành hiện hữu (các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh) tập trung chỉnh trang, nâng cấp theo hướng đô thị hiện đại; hoàn thiện dự án cải tạo, xây mới thay thế các chung cư cũ trước 1975, hạn chế thực hiện các dự án nhà ở cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo.
Đối với khu vực 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ), ưu tiên phát triển các dự án tại thị trấn, khu dân cư nông thôn, ưu tiên phát triển các khu du lịch kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, không phát triển các dự án mới tại khu vực chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng. Tại những khu vực này, TP khuyến khích hình thành các khu dân cư mới để giảm dân nội thành.
Sẽ chuyển đổi mô hình nhà ở thấp tầng sang cao tầng nhưng đáp ứng hạ tầng, ưu tiên nhà ở theo hướng đô thị thông minh.
Quy hoạch theo hướng đô thị thông minh
TPHCM phấn đấu đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8m2/người, đến năm 2025 là 22,8m2/người. Dự báo giai đoạn 2016-2020, TP cần hơn 40 triệu m2 sàn nhà ở, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 46 triệu m2 sàn. Nhu cầu đất tăng thêm trên địa bàn TP đến năm 2020 là 1.504ha và đến năm 2025 là 1.704ha. Riêng NoXH, dự kiến đến năm 2025 TP cần 20 triệu m2 sàn. Để thực hiện mục tiêu này, TP phải huy động hơn 316.000 tỷ đồng vốn đầu tư, và đến năm 2025 cần khoảng 370.000 tỷ đồng.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết Sở đã tham mưu cho UBND TP ban hành một loạt giải pháp về cơ chế để phát triển nhà ở. Theo đó, TP sẽ từng bước chuyển đổi mô hình nhà ở thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại; khuyến khích loại hình NoTM giá thấp và nhà ở cho thuê. Loại hình nhà này nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của người thu nhập thấp; thí điểm các cơ chế cho phép các dự án NoTM giá thấp cho thuê được đóng tiền sử dụng đất hàng năm, để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp.
Phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp quy hoạch xây dựng TP theo hướng đô thị thông minh, khai thác tối đa hiệu quả của công nghệ thông tin, tiện ích của đô thị; phát triển nhà ở gắn với phát triển đô thị trên quan điểm phát triển vùng, TPHCM là đô thị đa trung tâm, gắn với hệ thống giao thông hiện đại như metro, đường sắt trên cao, xe buýt nhanh… Đặc biệt quá trình phát triển đô thị, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý, quy hoạch; áp dụng các loại công nghệ mới phát triển các vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, giá thành thấp để tạo giá thành rẻ.