Nasdaq rực xanh 5 phiên liền
Khép phiên, chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.11% lên 14,034.97 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 168.33 điểm, tương đương 0.48%, còn 34,721.91 điểm. Chỉ số S&P 500 rớt 0.16% xuống 4,507.66 điểm.
Chuỗi leo dốc gần đây, trong đó S&P 500 và Dow Jones tăng 4 phiên liên tiếp, đã giúp các chỉ số chứng khoán chính xoá bớt đà giảm trong tháng. Tuy nhiên, trong tháng 8, S&P 500 giảm 1.77%, còn Nasdaq Composite hạ 2.17%, Dow Jones mất 2.36%.
Các nhà đầu tư vào thứ Năm cũng xem xét dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tháng 7 tiến 0.2% so với tháng trước và tăng 4.2% so với cùng kỳ năm trước, trùng khớp với dự báo từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. PCE cốt lõi là một chỉ báo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi chặt chẽ.
Joseph Cusick, Phó Chủ tịch cấp cao tại Calamos Investments cho biết: “Vào cuối phiên, cổ phiếu theo sau trái phiếu, vì vậy, việc lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục giảm là yếu tố then chốt giúp cổ phiếu tăng giá, ít nhất là trong ngắn hạn.”
Cổ phiếu Salesforce đã góp phần xoá bớt phần nào đà giảm của Dow Jones. Cổ phiếu này vọt lên gần 3% sau khi công ty phần mềm công bố kết quả tài chính quý 2 và đưa ra triển vọng quý 3 vượt kỳ vọng của các nhà phân tích hồi thứ Tư.
Nhà đầu tư giờ đây sẽ chuyển sự chú ý sang dữ liệu việc làm công bố vào sáng ngày thứ Sáu. Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 170,000 việc làm trong tháng 8. Nhà đầu tư đang hy vọng rằng báo cáo việc làm sẽ chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ đang chậm lại đáng kể, và cuối cùng có lý do cho ngân hàng trung ương tạm dừng tăng lãi suất.
Dầu WTI tăng vọt vào cuối phiên
Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI nhích 2 USD, tương đương 2.45%, lên 83.63 USD/thùng. Dầu Brent cộng 1.59 USD, tương đương 1.02%, lên 86.83 USD/thùng.
Andrew Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates cho hay: “Thị trường dầu thô đang phản ứng với việc gia hạn cắt giảm sản lượng của OPEC. Động thái cắt giảm này có thể kéo dài đến cuối năm.”
Vào thứ Năm, hợp đồng dầu WTI tương lai đã giao dịch thấp hơn 3.83 USD so với hợp đồng dầu WTI giao ngay, mức chênh lệch mạnh nhất kể từ ngày 17/11/2022, báo hiệu nguồn cung khan hiếm và khuyến khích dự trữ giảm.
Cũng vào ngày này, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô tại các mỏ của Mỹ tăng 1.6% trong tháng 6 lên 12.844 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Cũng góp phần làm tăng dự đoán về nguồn cung khan hiếm, dữ liệu từ Chính phủ Mỹ vào thứ Tư cho thấy dự trữ dầu thô giảm mạnh hơn dự báo, sụt 10.6 triệu thùng trong tuần trước, do xuất khẩu và hoạt động lọc dầu tăng cao.
Các chuyên gia phân tích dự báo Ả-rập Xê-út sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 10/2023, bổ sung vào mức cắt giảm mà OPEC+ đã đưa ra.
Bộ Thương mại Mỹ báo cáo hôm thứ Năm rằng chi tiêu tiêu dùng tại nước này tăng 0.8% trong tháng trước, nhưng lạm phát chậm lại đã củng cố kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất không đổi vào tháng tới.
Eric Rosengren, cựu Chủ tịch Fed khu vực Boston cho rằng NHTW Mỹ có thể khép lại chu kỳ nâng lãi suất nếu thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế tiếp tục chậm lại với tốc độ vừa phải như hiện nay.
Tuy nhiên, dữ liệu nhà máy yếu kém của Trung Quốc đã kìm hãm đà tăng giá dầu.
Cụ thể, một cuộc thăm dò chính thức cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc lại tiếp tục giảm trong tháng 8, làm tăng thêm lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc tháng 7 tăng từ 49.3 lên 49.7, nhưng vẫn thấp hơn mức 50 điểm. Chỉ số này trên 50 điểm thể hiện sự tăng trưởng so với tháng trước.