Nên gửi tiết kiệm USD hay VNĐ?

(ĐTTCO) - Dù khả năng sinh lời không cao, nhưng gửi tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn vì tính an toàn. Tuy nhiên, gửi tiết kiệm thế nào cho hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện tại không phải người nào cũng nắm bắt. Việc lựa chọn hình thức gửi, kỳ hạn và loại tiền gửi cho có hiệu quả không phải dễ dàng.

(ĐTTCO) - Dù khả năng sinh lời không cao, nhưng gửi tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn vì tính an toàn. Tuy nhiên, gửi tiết kiệm thế nào cho hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện tại không phải người nào cũng nắm bắt. Việc lựa chọn hình thức gửi, kỳ hạn và loại tiền gửi cho có hiệu quả không phải dễ dàng.

Lãi suất VNĐ bất ngờ giảm

Chính sách giảm đô la hóa nền kinh tế đang đúng hướng, nhưng việc ép lãi suất USD ở mức 0% làm cho nền kinh tế trở nên méo mó và là một trong những rào cản khiến lãi suất VNĐ khó giảm. Do vậy, đã đến lúc NHNN nên xem xét tăng trần lãi suất USD về mức phù hợp, thậm chí bỏ trần lãi suất USD.

Những ngày cuối tháng 3-2017, một số NH đã thông báo giảm lãi suất huy động. Cụ thể, LienVietPostBank giảm từ 0,1-0,4%/năm các kỳ hạn, VPbank cũng giảm 0,1-0,3% ở các kỳ hạn từ 7-15 tháng, VietCapitalBank giảm 0,1% ở kỳ hạn tiền gửi 18-60 tháng, Maritimebank giảm 0,2% kỳ hạn 18-36 tháng, Vietbank giảm 0,1-0,3%/năm kỳ hạn 7 tháng, 12 tháng, 15 tháng, hay cá biệt như DongABank giảm 0,1% kỳ hạn ngắn 1 tháng.

Đây là một diễn biến khá trái chiều so với cách đây không lâu khi nhiều NH liên tục tăng lãi suất huy động. Đặc biệt vừa qua các NH còn đồng loạt tham gia vào cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi VNĐ với lãi suất đẩy lên 8,2-9,2%/năm. Đây là mức lãi suất cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

So với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, lãi suất từ gửi tiết kiệm thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, hiện vẫn rất nhiều người chọn gửi tiết kiệm để sinh lời vì nó gần như không có rủi ro và thanh khoản cao. Người gửi khi cần sử dụng tiền có thể rút ra bất kỳ lúc nào. Dù vậy việc gửi tiết kiệm thế nào cho có lợi nhất cũng không phải dễ dàng.

Còn nhớ vào cuối năm 2016 khi xuất hiện một số tin đồn không tích cực về thị trường tiền tệ, không ít người đã rút tiền đồng để mua USD trên thị trường tự do sau đó gửi NH. Với mức tỷ giá trên thị trường tự do vào thời điểm đó lên đến 23.500 đồng/USD, hiện không ít người đã thua lỗ khá nhiều bởi quyết định này.

Sự xuất hiện mới đây của chứng chỉ tiền gửi “siêu lãi suất” có thể sẽ hấp dẫn không ít người chọn mua chứng chỉ tiền gửi để được hưởng lãi suất cao hơn mà ít cân nhắc những rủi ro khác như kỳ hạn và các điều kiện ràng buộc bất lợi của chứng chỉ tiền gửi so với gửi tiết kiệm thông thường.

Do vậy việc lựa chọn NH, kỳ hạn gửi cũng là vấn đề quan trọng đối với người gửi tiền. Tại buổi giao lưu về “Đường đi của lãi suất năm 2017”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI, nêu kinh nghiệm trên thị trường: Một NH tầm trung sẽ chào lãi suất huy động 7,5-7,6%/năm, nhưng một NH nhỏ, chưa đến mức tái cơ cấu đang cạnh tranh quyết liệt sẽ chào lãi suất 8%/năm, thậm chí họ còn bảo tháng sau gửi có thể lên 8,2%/năm.

Trong khi đó những NH lớn lãi suất không thay đổi nhiều. Thông thường, đối với người gửi tiền, lãi suất cao luôn hấp dẫn nhất, ưu tiên tiếp theo là mức tín nhiệm của NH.

Ảnh minh họa: LONG THANH
Ảnh minh họa: LONG THANH

Nhưng vẫn hấp dẫn

Một trong những băn khoăn hiện nay của kênh gửi tiết kiệm nằm ở những khách hàng có nguồn thu USD hoặc đang có nguồn tiền nhàn rỗi bằng USD. Thực tế vẫn không ít người lựa chọn phương án gửi tiết kiệm bằng USD và chấp nhận lãi suất 0% bởi kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng (VNĐ mất giá). Những người găm giữ USD không quan tâm đến sự chênh lệch lãi suất suất tiền gửi bằng USD và VNĐ, mà chủ yếu nhằm mua sự yên tâm.

Nhưng với thực tế USD chỉ tăng giá 1-3% trong nhiều năm gần đây, gửi tiết kiệm bằng VNĐ có lợi hơn rất nhiều. Chẳng hạn chỉ cần làm một phép tính đơn giản với món tiền 100.000USD nếu khách hàng gửi lãi suất gửi 0%, một năm sau tỷ giá tăng 3% từ mức 22.820 đồng hiện nay lên 23.504 đồng. Như vậy, số tiền 100.000USD ban đầu họ sẽ có lời 68,64 triệu đồng do chênh lệch tỷ giá.

Tuy nhiên, cũng với 100.000USD đổi ra tiền đồng (tương đương khoảng 2,28 tỷ đồng) để gửi tiết kiệm với kỳ hạn 1 năm, lãi suất của các NH dao động 7%/năm và 1 năm sau số tiền lãi sẽ là 159,74 triệu đồng. Như vậy, so với với chênh lệch biến động tỷ giá lãi suất vẫn cao hơn rất nhiều.

Thực tế, trừ những thời điểm nền kinh tế có nhiều rủi ro, mức biến động của tỷ giá trong năm thường thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi. Kinh tế Việt Nam hiện đã tăng trưởng chậm lại nhưng các chỉ số vĩ mô rất ổn định. Đặc biệt lạm phát luôn duy trì ở mức khá thấp và thị trường tài chính không có nhiều biến động. Các dòng vốn từ nước ngoài đổ vào Việt Nam cũng duy trì ở mức khá cao.

Do đó, rủi ro biến động tỷ giá sẽ không cao. Theo các chuyên gia, gửi tiền kiệm bằng VNĐ hiện nay hấp dẫn hơn nhiều so với bằng USD. TS. Cấn Văn Lực là một trong những người tham gia đề xuất “kéo” lãi suất gửi USD lên khỏi mức 0% phù hợp xu thế tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED).

Tuy nhiên theo ông, giả sử có quyết định nới lên 0,25%/năm vẫn là mức rất thấp. Trong khi đó, nếu gửi VNĐ trong 1 năm sẽ được hưởng lãi suất 6,5-7%/năm. Giả sử lạm phát so với cùng kỳ là 4,7% người gửi tiền đồng vẫn được hưởng lãi suất dương.

Tương tự, CEO của một NH nước ngoài tại Việt Nam cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi VNĐ hiện cao hơn nhiều (khoảng 6-6,5%/năm) so với tiết kiệm bằng ngoại tệ. Ngay cả khi USD được cộng thêm mức tăng dự kiến từ 2-3%/năm so với VNĐ trong năm nay, người gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ cũng chỉ được hưởng mức lãi suất khoảng 3%/năm, trong khi gửi tiền đồng lãi suất gấp đôi. 

Các tin khác