Nền kinh tế cần vốn, lãi suất bắt đầu tăng

(ĐTTCO) - Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8%. Để góp phần thực hiện mục tiêu đó, vai trò của tín dụng rất quan trọng, cung ứng đủ vốn cho thị trường, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bơm hàng triệu tỷ đồng vào nền kinh tế

Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng mức tăng trưởng tín dụng (TTTD) toàn hệ thống 16%, cao hơn mục tiêu đề ra 15% trong năm 2024. Đây cũng là con số cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, bởi TTTD giai đoạn 2020-2024 lần lượt đạt mức 12,2%, 13,64%, 14%, 13,78% và 15,08%.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 2-2025, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú thông tin, GDP năm 2024 đạt 7,09% và tín dụng tăng 15,08%. Với mức TTTD hơn 2% mới có được 1% tăng trưởng GDP, vì vậy năm nay Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, NHNN đặt mục tiêu TTTD 16%.

Nếu tăng trưởng GDP đạt 10%, tín dụng có thể sẽ tăng 18 - 20%. Theo Phó Thống đốc NHNN, vốn chỉ là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cần có sự đồng bộ trong điều hành của nhiều lĩnh vực.

Năm 2024 với mức TTTD 15,08%, đã có 2,1 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế. Năm 2025 nếu TTTD ở mức 16%, tương ứng sẽ bơm thêm khoảng 2,5 triệu tỷ đồng. Và nếu tăng trưởng GDP lên đến 10%, TTTD ở mức 18 - 20%, tương đương ngành NH sẽ phải bơm thêm 2,8-3,1 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế.

Để hỗ trợ tăng trưởng, năm 2025 NHNN đã tiếp tục đổi mới cơ chế cấp room tín dụng. Nhờ được cấp room tín dụng sớm, các nhà băng cũng sớm xây dựng kế hoạch và hiện một số nhà băng đã hé lộ mục tiêu TTTD năm nay ở mức cao, như Agribank tăng 13%, BIDV dự kiến 14%, Eximbank tăng 16,2%, MB tăng 26%.

Mối lo lãi suất

Mức tăng trưởng kinh tế ít nhất 8% trong năm nay được các chuyên gia đánh giá là không phải khó đạt được, nhưng muốn tăng ở mức cao cần nguồn lực, tức phải có đầu tư và tiền. Tiền ở đâu?

Hiện tín dụng là kênh dẫn vốn được đề cập đến nhiều nhất để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, bên cạnh bơm tín dụng, Chính phủ cũng yêu cầu ngành NH phải giảm lãi suất cho vay để đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp và người dân.

Nhưng nhìn sang ngành NH, câu chuyện giảm lãi suất hiện vẫn khó khăn khi tốc độ tăng trưởng huy động vốn liên tục duy trì xu hướng tăng thấp hơn so với tốc độ TTTD. Số liệu tổng hợp từ 26 NH đã công bố báo cáo tài chính và công bố kết quả kinh doanh năm 2024, cho thấy tổng số dư tiền gửi khách hàng trong năm tăng 11,7%, đạt gần 12,8 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó dư nợ cho vay khách hàng của 26 NH này tăng đến 17,2% lên gần 13,4 triệu tỷ đồng. Với diễn biến đó, việc đẩy mạnh tín dụng trong 2025 sẽ tạo áp lực huy động vốn ngày càng nhiều đối với các nhà băng.

Hiện nay, ngoài việc đang tấp nập đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi nhằm tiên phong thúc đẩy tăng trưởng theo đề nghị của Chính phủ, các nhà băng cũng đang hối hả tìm cách huy động vốn đầu vào. Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tính đến giữa tháng 2 mới có 4 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng được ghi nhận, tổng giá trị đạt 5.554 tỷ đồng.

Ngoại trừ 300 tỷ đồng thuộc về lĩnh vực chứng khoán, khối lượng phát hành còn lại thuộc về lĩnh vực NH. Trong đó, VietinBank phát hành lớn nhất với khối lượng lên tới 4.000 tỷ đồng. BVBank cũng phát hành một lô trái phiếu với giá trị hơn 1.254 tỷ đồng với kỳ hạn 6 năm.

Đáng chú ý, BVBank áp dụng lãi suất kỳ đầu ở mức 8,2%/năm, các kỳ sau bằng bình quân lãi suất tiết kiệm VNĐ kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank cộng 2,5%/năm. Ngoài ra, nhiều nhà băng cũng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn 0,5-1% so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Mặt khác, lãi suất huy động cũng đang tiếp đà tăng. Trong tháng 1-2025, có 12 NH đã tăng lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1-0,9%/năm. Nửa đầu tháng 2 tiếp tục ghi nhận có 6 nhà băng tăng lãi suất. Theo báo cáo cập nhật lãi suất 6 tuần đầu năm 2025 của Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), Eximbank đã tăng mạnh 0,9% kỳ hạn 9 tháng gửi tại quầy và online lên mức 5,2% và 5,4%/năm.

Các kỳ hạn từ 12-36 tháng online cũng tăng mạnh từ 0,4-1%/năm lên mức 5,6-6,6%/năm. Hiện mức cao nhất ở NH này là 6,6%/năm kỳ hạn 24-36 tháng online, cũng là mức cao nhất hệ thống đối với số tiền gửi dưới 200 tỷ đồng. Ngoài ra, BVBank tăng 0,32% kỳ hạn 36 tháng tại quầy lên mức 6,32%/năm. Các kỳ hạn từ 15-24 tháng online tại NH này là 6,25-6,45%/năm.

Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, với kế hoạch TTTD 16% thì khả năng lãi suất sẽ tăng trong năm 2025 là điều khó tránh khỏi, vì các NH phải chuẩn bị nguồn vốn để đẩy cho vay nên cần tăng lãi suất đầu vào để hút vốn. Mặt khác, nợ xấu ngành NH cũng đang ở mức cao, vốn cho vay ra không trở lại cũng là một áp lực thúc các nhà băng phải huy động vốn để trả tiền cho người gửi.

Vì vậy, khi tăng trưởng cho vay tốt hơn, hoạt động cạnh tranh huy động tiền gửi có thể sẽ gia tăng. Các NH quy mô nhỏ phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn thị trường ngắn hạn và có bộ đệm tài sản thanh khoản ở mức yếu, sẽ đối mặt với áp lực chi phí vốn tăng cao và căng thẳng thanh khoản.

Trước đà tăng của lãi suất huy động, đã có dự báo cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường tăng thêm 0,5-0,7% trong năm 2025, trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn. Các chuyên gia của Standard Chartered cũng nhận định, Chính phủ đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, điều này có thể giúp duy trì lãi suất thấp trong ngắn hạn. Dự báo lãi suất sẽ dần trở lại mức bình thường vào quý II-2025 và NHNN có thể sẽ tăng lãi suất điều hành trong khoảng thời gian này.

Ở thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo tập trung giảm mặt bằng lãi vay, đề nghị các NH hoạt động kinh doanh phải có lãi nhưng ngoài lợi nhuận thì phải mang lại lợi ích chung cho đất nước, bởi "nước nổi thì bèo nổi".

Hưởng ứng đề nghị này, nhiều NH cũng tung ra các chương trình vay ưu đãi khá rầm rộ, nhưng chưa biết các NH sẽ duy trì lãi suất thấp được bao lâu vì chủ yếu các gói vay ưu đãi vẫn tập trung vào cho vay ngắn hạn.

Xu hướng tăng lãi suất huy động diễn ra chủ yếu ở các NH quy mô nhỏ, khi các NH tích cực chuẩn bị nguồn vốn lớn để phục vụ cho kế hoạch tín dụng dự báo tăng cao trong năm 2025.

Các tin khác