Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây cho biết nhà chức trách nước này đang chuẩn bị các phương án cho trường hợp bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Cụ thể, phát biểu trong cuộc họp báo khi bình luận về khả năng Nga có thể bị ngắt kết nối với SWIFT, Ngoại trưởng Nga nói: “Chúng tôi không loại trừ bất cứ điều gì. Tôi chắc chắn Chính phủ, Ngân hàng trung ương của chúng tôi, các cơ quan tài chính liên quan đang chuẩn bị các giải pháp khả thi nếu một nỗ lực được thực hiện nhằm làm suy yếu khả năng của chúng tôi trong việc đảm bảo trao đổi tự do trong hệ thống thương mại đa phương, trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”.
Nga chủ động lên kịch bản bị loại khỏi SWIFT. Ảnh minh họa |
Ông Lavrov nhấn mạnh, đề xuất loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT không mới, những lời kêu gọi như vậy "đã vang lên không phải một tháng và có thể không phải một năm, khi tìm kiếm khả năng trừng phạt bổ sung Nga”.
Được biết, Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu” (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication - SWIFT) được thành lập tại Brussels (Bỉ) ngày 3/5/1973 và được hỗ trợ bởi 239 ngân hàng tại 15 quốc gia.
Thiết lập các tiêu chuẩn chung cho các giao dịch tài chính và một hệ thống xử lý dữ liệu dùng chung và mạng lưới truyền thông trên toàn thế giới do Logica thiết kế và được phát triển bởi Burroughs Corporation, SWIFT cho phép các tổ chức tài chính và ngân hàng trên toàn thế giới gửi và nhận thông tin về các giao dịch tài chính trong một môi trường an toàn, tiêu chuẩn và đáng tin cậy.
Tính đến năm 2015, SWIFT đã liên kết hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, những người đang trao đổi trung bình hơn 32 triệu tin nhắn mỗi ngày (so với mức trung bình 2,4 triệu tin nhắn hàng ngày vào năm 1995). Sử dụng cáp thông tin liên lạc dưới biển để truyền dữ liệu, mạng nhắn tin an toàn SWIFT được vận hành từ ba trung tâm dữ liệu, một ở Mỹ, một ở Hà Lan và một ở Thụy Sĩ, chia sẻ thông tin theo thời gian thực.
Tính đến năm 2018, khoảng một nửa trong số tất cả các khoản thanh toán xuyên biên giới có giá trị cao trên toàn thế giới đã sử dụng mạng SWIFT.
Tháng 8/2014, Vương quốc Anh đã lên kế hoạch thúc ép EU ngăn chặn việc Nga sử dụng SWIFT như một biện pháp trừng phạt do sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine, tuy nhiên, SWIFT đã từ chối làm như vậy.
Washington cũng đã đe dọa ngắt kết nối Nga khỏi SWIFT trong nhiều năm. Giữa tháng 12/2020, các chuyên gia Nga cũng đã dự đoán, các biện pháp trừng phạt “chưa từng có” sẽ nhằm vào Nga sau khi Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Theo đó, các chuyên gia nhận định, các hạn chế trong tương lai có thể ảnh hưởng đến những điểm kinh tế nhức nhối nhất. Đặc biệt, biện pháp trừng phạt có thể tạo ra các vấn đề đối với việc tiếp cận thị trường thế giới của các ngân hàng Nga, ngắt kết nối quốc gia này khỏi SWIFT, đưa ra lệnh cấm giao dịch với chứng khoán nợ của Nga và cấm các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào các dự án năng lượng của Moscow.
Một số ý kiến cho rằng, nguy cơ Nga rút khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT là rất nghiêm trọng. Lý do là vì Nga là một trong 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về khối lượng hoạt động ngân hàng vận hành SWIFT.
Sau tất cả, Moscow đã phản ứng bằng cách tạo ra một giải pháp thay thế cho hệ thống thanh toán có tên là Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS) như một biện pháp dự phòng. Nga bắt đầu phát triển SPFS năm 2014.
Giao dịch đầu tiên bằng SPFS liên quan đến một doanh nghiệp phi ngân hàng được thực hiện vào tháng 12/2017. Hệ thống thanh toán của Nga đã được thúc đẩy bởi các thành viên của khối BRICS là Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Hệ thống nhắn tin tài chính SPFS của Nga sẽ được liên kết với hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS của Trung Quốc.
Hệ thống thanh toán của Nga cũng sẽ hoạt động với SEPAM của Iran, vì các ngân hàng quốc gia Hồi giáo đã không có quyền truy cập vào SWIFT kể từ năm 2018 sau khi Mỹ khôi phục các lệnh trừng phạt. Theo dữ liệu mới nhất, 23 thành viên nước ngoài từ Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Đức, Thụy Sĩ… đã được kết nối với nó.