Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine từ cuối tháng 2/2022 và các lệnh trừng phạt của phương Tây sau đó đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt quan trọng của Nga đã ảnh hưởng đến ngân sách của nước này.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Nga không rơi vào thảm họa kinh tế và Tổng thống Nga Vladimir Putin tin tưởng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Nguồn thu giảm sút do xung đột
Bộ Tài chính Nga cho biết thâm hụt ngân sách Liên bang ở mức 2.400 tỷ ruble (28,93 tỷ USD) trong quý 1/2023 do Nga tăng cường chi tiêu và nguồn thu từ năng lượng sụt giảm.
Trong quý 1/2022, Nga đạt thặng dư ngân sách 1.130 tỷ ruble, nhưng kể từ đó các khoản chi lớn cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt quan trọng của Nga đã ảnh hưởng đến ngân sách.
Bộ Tài chính Nga ngày 5/5 cho biết đã bán 4,25 tỷ nhân dân tệ và 6,4 tấn vàng từ Quỹ phúc lợi quốc gia (NWF) với tổng số tiền 83 tỷ ruble để trang trải cho ngân sách. Số tiền thu được đã được ghi có vào tài khoản chung của ngân sách liên bang để bù đắp thâm hụt ngân sách.
Mặc dù nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã phục hồi về mức trước xung đột, nhờ tăng xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng Tư cho biết nguồn thu này giảm khoảng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết trong tháng Ba, xuất khẩu dầu của Nga đạt mức kỷ lục kể từ tháng 4/2020.
Xuất khẩu dầu của Nga đã tăng lên 8,1 triệu thùng/ngày, tăng 600.000 thùng so với tháng Hai và xuất khẩu các chế phẩm dầu mỏ tăng 450.000 thùng, lên 3,1 triệu thùng/ngày.
Bộ Tài chính Nga cho biết nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, nguồn thu chính của nền kinh tế, trong tháng Tư giảm 64% so với cùng kỳ năm trước và giảm 5,9% so với tháng Ba.
Vào tháng 4/2023, nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt đạt 647,5 tỷ ruble, so với 688,2 tỷ ruble vào tháng 3/2023 và 1.798 tỷ ruble vào tháng 4/2022.
Ngân sách cho năm 2023 dự báo mức thâm hụt 2% GDP. Bộ Tài chính Nga đã lập ngân sách với mức giảm 23% doanh thu từ dầu khí trong năm nay xuống còn 8.950 tỷ ruble.
Trong nửa đầu năm 2022, Nga được hưởng lợi từ việc giá năng lượng ngày càng tăng trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt có hiệu lực vào tháng 12/2022 đã dẫn đến việc hạn chế nguồn thu của Nga.
Theo Bộ Kinh tế Nga, kinh tế nước này trong quý 1/2023 giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng trưởng 3% trong quý 1/2022. Trong tháng Ba, GDP của Nga ước giảm 1,1%, sau khi giảm 2,9% trong tháng Hai.
Nền kinh tế không có dấu hiệu sụp đổ
Chiến lược gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Biển Đen, Andriy Klymenko, cho rằng không có dấu hiệu cho thấy kinh tế Nga sụp đổ. Kinh tế Nga không rơi vào thảm họa kinh tế, dù các chuyên gia trên thế giới dự báo sau khi các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ được áp đặt do xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo ông Klymenko, GDP của Nga giảm 8% do các biện pháp trừng phạt, nhưng tăng 5% nhờ sản xuất vũ khí. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, khi nhiều công dân nhập ngũ.
Xung đột, các biện pháp trừng phạt và sự xoay chuyển các động lực trên thị trường năng lượng đã định hình lại quan hệ hợp tác của Nga với các nước, nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ mà nước này thu về và hệ thống thương mại mà nước này tham gia.
Một cơ sở lọc dầu tại khu vực Slonim. (Ảnh: TASS/TTXVN). |
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định "kinh tế Nga tiếp tục tăng trưởng tích cực trong khuôn khổ mô hình tăng trưởng mới. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng, chính phủ đã điều chỉnh dự báo phát triển kinh tế-xã hội theo hướng cải thiện.
Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng cho rằng doanh thu từ dầu khí của Nga sẽ tăng cao vào cuối quý 2 năm nay, và các khoản thu bổ sung từ dầu khí sẽ bắt đầu "chảy" vào ngân sách. Ông cho biết doanh thu từ dầu khí của Nga đã giảm khoảng 1.300 tỷ ruble trong quý 1 năm nay.
Kinh tế Nga được cho là sẽ phục hồi nhẹ trong năm nay, sau khi giảm 2,1% trong năm 2022, do các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Trong dự báo tháng Tư về kinh tế toàn cầu, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Nga năm nay lên 0,7%, từ mức dự báo hồi tháng Một là 0,3%.
IMF là một trong số các tổ chức dự báo kinh tế Nga tăng trưởng trong năm nay, dù việc bị cô lập và nguồn thu từ năng lượng giảm sẽ cản trở triển vọng tăng trưởng trong những năm tới.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới và phân tích thống kê do Sputnik thực hiện, Nga đã trở lại Nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới và lần đầu tiên xếp thứ 8 kể từ năm 2014, với giá trị hàng hoá và dịch vụ đạt 2.300 tỷ USD năm 2022.
Năm 2014, Nga xếp thứ 9 trong Nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với tổng lượng hàng hóa và dịch vụ sản xuất đạt 2.050 tỷ USD. Đến năm 2021, thứ hạng của Nga giảm xuống 11.
Xếp hạng GDP năm 2022 của các quốc gia dựa trên thống kê hàng năm hoặc hàng quý do cơ quan thống kê quốc gia cung cấp theo đồng tiền quốc gia và quy đổi sang USD, theo tỷ giá hối đoái trung bình của kỳ tương ứng.