Nga nhận đặt hàng một tỷ liều vaccine ngừa Covid-19, Mỹ đặt hàng 100 triệu liều vaccine Moderna

(ĐTTCO) - Nga đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vắc-xin ngừa virus corona sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người.
Nga nhận đặt hàng một tỷ liều vaccine ngừa Covid-19, Mỹ đặt hàng 100 triệu liều vaccine Moderna

Cuối năm sẽ sản xuất hàng loạt

Vắc-xin này vẫn chưa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng và làm cho nhiều chuyên gia lo ngại về tốc độ nó được phê chuẩn. Tuy nhiên, tập đoàn Sistema của Nga vẫn khẳng định, sẽ sản xuất hàng loạt vắc-xin này vào cuối năm nay.

Kirill Dmitriev, người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia của Nga, đơn vị cấp ngân sách cho nghiên cứu vắc-xin Covid-19 ca ngợi việc phát triển vắc-xin là “khoảnh khắc Sputnik” – so sánh với việc Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên trên thế giới mang tên Sputnik 1 vào năm 1957. Ông này cho hay, vắc-xin sẽ được quảng bá dưới cái tên “Sputnik 5” ở thị trường ngoại quốc.

Ông Dmitriev cho hay, Nga đã nhận được đơn đặt hàng 1 tỷ liều vắc-xin từ 20 quốc gia. Việc thử nghiệm lâm sàng sẽ sớm được tiến hành ở Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Philippines.

Tổng thống Nga Putin đã đứng ra đảm bảo về độ an toàn của vắc-xin và cho hay, con gái ông đã được tiêm vắc-xin.

Nhà lãnh đạo này khẳng định vắc-xin Sputnik 5 đã trải qua những thử nghiệm cần thiết và chứng tỏ nó tạo miễn dịch lâu dài với virus corona. Tuy nhiên, nhà chức trách Nga chưa đưa ra bằng chứng khoa học nào để chứng minh cho sự an toàn hay mức độ hữu hiệu của vắc-xin.

Nga nhận đặt hàng một tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19
Ảnh: AP

Theo AP, hiện, các nhà khoa học ở Nga và nhiều quốc gia khác trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo. Họ cho rằng việc vội vã phê chuẩn vắc-xin trước khi nó hoàn tất giai đoạn thử nghiệm thứ 3 – thường kéo dài nhiều tháng và có sự tham gia của hàng nghìn người, có thể đem lại kết quả trái với mong đợi.

“Vội vã phê chuẩn vắc-xin không làm cho Nga trở thành nước đi đầu trong cuộc đua tìm ra vắc-xin mà nó có thể khiến người dùng vắc-xin phải đối mặt với những nguy hiểm không đáng có”, tổ chức Hiệp hội thử nghiệm lâm sàng Nga cho biết và kêu gọi các quan chức chính phủ hoãn phê chuẩn vắc-xin khi chưa hoàn tất thử nghiệm.

Tuy vậy, theo giới chức Nga, việc sản xuất vắc-xin quy mô lớn sẽ được bắt đầu vào tháng 9 và chủng ngừa trên diện rộng sẽ bắt đầu sớm nhất là tháng 10. Bộ Y tế Nga ra thông báo cho biết, vắc-xin sẽ tạo miễn dịch với virus corona tới 2 năm.

Mỹ mua 100 triệu liều vaccine của Moderna

Theo thông báo, thỏa thuận có tổng giá trị khoảng 1,5 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa, mỗi liều vaccine trị giá khoảng 15 USD. Số vaccine này sẽ được cung cấp miễn phí cho các bệnh nhân.

Trong thông báo, Tổng thống Trump cho biết ông cũng đã  có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của chương trình “Operation Warp Speed”, một sáng kiến giúp đẩy nhanh sản xuất vaccine, đồng thời khẳng định có tiềm năng lớn đối với mỗi loại vaccine mà Chính phủ Mỹ đang tài trợ nghiên cứu và phát triển. Tổng thống Trump cũng cho biết quân Mỹ đã sẵn sàng cho việc cung cấp vaccine cho người dân Mỹ ngay khi sau khi một loại vaccine được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt.

Trong thời gian vừa qua, chính quyền Tổng thống Trump cũng đã thực hiện một số thỏa thuận tương tự khác với hy vọng có thể bắt đầu cung cấp vaccine cho người dân Mỹ vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đảng Dân chủ và các chuyên gia y tế công bày tỏ lo ngại về khả năng Tổng thống Trump gây áp lực buộc FDA phải phê duyệt vaccine quá nhanh.

Cùng ngày,  trước thông tin Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký một loại vaccine ngừa COVID-19, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar cho rằng vấn đề không phải là quốc gia đầu tiên có vaccine mà là phải có một loại vaccine an toàn và hiệu quả cho người dân Mỹ và người dân trên toàn thế giới.

Theo Bộ trưởng Y tế Mỹ, cần có dữ liệu minh bạch và dữ liệu này phải được đưa ra từ giai đoạn với 3 thử nghiệm lâm sàng để cho thấy một loại vaccine an toàn và hiệu quả.

Ông Azaz cho biết có thể có hàng chục triệu liều vaccine "đạt tiêu chuẩn vàng" của FDA vào tháng 12 tới và có hàng trăm triệu liều vào năm 2021.

* Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Bộ Y tế Brazil ngày 11/8 cũng thông báo mặc dù chính phủ nước này đã ký một thỏa thuận trị giá gần 400 triệu USD nhằm phối hợp phát triển và sản xuất vaccine ngừa COVID-19 với Đại học Oxford (Anh), nhưng không loại trừ khả năng nhập khẩu vaccine "Sputnik-V" do Nga điều chế và vừa được đăng ký lưu hành.

Thông báo cho biết Brazil sẵn sàng mua bất kỳ loại vaccine nào, dù của Nga hay bất kỳ quốc gia nào khác, được chứng minh là có hiệu quả trong ngăn ngừa COVID-19.

Cùng ngày, chính quyền bang Paraná thông báo sẽ ký một thỏa thuận với Đại sứ quán Nga liên quan đến hợp đồng mua vaccine "Sputnik-V". 

Brazil hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 6h30 ngày 12/8 (theo giờ Hà Nội), quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận tổng cộng 3.112.393 ca COVID-19, trong đó có 103.099 người tử vong

Các tin khác