Ông Putin nói với Hội đồng An ninh của mình rằng ông cần phải "sửa đổi" học thuyết hạt nhân của Điện Kremlin để cho phép tấn công hạt nhân trả đũa trong trường hợp Nga bị tấn công bằng tên lửa thông thường.
“Hành động xâm lược chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân, đều được coi là một cuộc tấn công chung vào Liên bang Nga”, ông nói.
Trước đây, học thuyết hạt nhân của Nga chỉ cho phép nước này tấn công hạt nhân sau khi bị kẻ thù có vũ khí hạt nhân tấn công trực tiếp. Ukraine không có tên lửa hạt nhân.
Ông Putin cho biết "sự xuất hiện của các nguồn đe dọa và rủi ro quân sự mới đối với Nga" có nghĩa là ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga.
Mặc dù ông không nêu tên Ukraine, lời cảnh báo này dường như nhắm vào Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, người sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Nhà Trắng để thúc đẩy việc cho phép bắn tên lửa tầm xa do Hoa Kỳ sản xuất vào Nga.
Tổng thống Putin gần đây nói rằng ông cũng coi việc NATO cho phép Ukraine bắn tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất vào Nga là một hành động chiến tranh của NATO. Các quan chức cấp cao khác của Điện Kremlin cũng cho biết Nga có thể đáp trả bằng một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân.
"Chúng tôi sẽ xem xét khả năng này khi nhận được thông tin về một cuộc tấn công lớn bằng vũ khí trên không vượt qua biên giới quốc gia của chúng tôi", Putin cho biết hôm 25/9. "Ý tôi là máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay siêu thanh và các loại máy bay khác".
Ông cũng cho biết học thuyết hạt nhân mới của Nga sẽ bao gồm cả Belarus, một đồng minh quan trọng.
Nga đã di chuyển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới Belarus lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và thử nghiệm một số tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân lớn nhất, nhưng các nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu Putin có thực sự sẵn sàng ra lệnh tấn công hạt nhân hay không.
Người ta cũng cho rằng Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Nga, đã nói với Putin rằng họ sẽ không dung thứ cho một cuộc tấn công hạt nhân của Điện Kremlin.
Pavel Podvig, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị của Liên hợp quốc, cho biết mặc dù Putin đã điều chỉnh học thuyết hạt nhân của Nga, ông vẫn để các quy tắc mơ hồ, có khả năng cho phép ông tránh được việc ra lệnh tấn công bằng tên lửa hạt nhân.