Với việc địa chính trị trên toàn cầu hiện nay có nhiều sự thay đổi, Bắc cực đang dần trở thành “nhà hát” cho sự cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều quốc gia. Trung Quốc đã nổi lên với vị trí siêu cường trên toàn cầu chắc chắn sẽ dẫn đến việc họ hoàn toàn có khả năng tham gia vào cuộc cạnh tranh cùng với các quốc gia khác tại Bắc Cực.
Với vị trí nằm tiếp giáp với Bắc Mỹ và đjai lục địa Á-Âu, Bắc cực từ xưa đến nay luôn là một vị trí nhạy cảm mà các ông lớn đều muốn kiểm soát. Mỹ xem các hoạt động khai thác hàng hải và thăm dò tại Bắc cực và sự hiện diện gần đây của Trung Quốc là một mối đe dọa với phương Tây. Trong khi đó, Nga quan ngại về các hoạt động quân sự và các cuộc tập trận của NATO tại khu vực Bắc Âu và các vùng biển lân cận.
Tuy nhiên, điều đặc biệt đáng quan tâm đó là Trung Quốc ngày càng xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn tai Bắc cực, nhiều nhà nghiên cứu và quan sát quốc tế đã đặt nghi vấn rằng một quốc gia nằm cách Bắc cực hàng nghìn km đang tìm kiếm lợi ích gì tại khu vực này?
Từ năm 1920, Trung Quốc đã là một quốc gia của Hiệp ước Spitsbergen, hiệp ước cam kết phi quân sự các bán đảo ở Bắc cực. Đến năm 1990, Trung Quốc bắt đầu tiến hành các cuộc thăm dò và đẩy nhanh các hoạt động này cho đến nay. Năm 2013, chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra Sáng kiến Vành đai và Con đường, liên quan đến việc kết nối các cơ sở hạ tầng tại các quốc gia Á-Âu. Nhưng ít ai biết được rằng, trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc còn đề cập đến sáng kiến Con đường tơ lụa trên băng, nhắm đến việc thiết lập một con đường thương mại thông qua Bắc cực đế đến với châu Âu.
Lợi ích của Nga và Trung Quốc
Một khu vực tại Bắc rộng đến 9 triệu km vuông đã được giới lãnh đạo Nga gọi là “Vùng Bắc cực của Liên Bang Nga”. Vùng đất chiếm khoảng 40% không gian Bắc cực này là một cơ sở tài nguyên chiến lược của Nga. Dù dân số chỉ khoảng 2,5 triệu người nhưng nó đóng góp đến 12-15% GDP của cả nước. 80% khí đốt của Liên Bang Nga cũng như các loại khoáng sản khác như Niken, kim cương và kim loại hiếm đều được khai thác ở vùng đất này.
Bên cạnh những lợi ích về tài nguyên, khu vực Bắc cực này còn sở hữu sản lượng hải sản khổng lồ. Tạo ra những đường biên giới mới và những tuyến hàng hải mới của nước Nga. Đối với an ninh quốc gia, vùng Bắc cực của họ được xem là một vị trí xung yếu có thể đe dọa đến an ninh quốc gia và ngược lại, khu vực này cũng có khả năng đe dọa an ninh của đối phương bằng các loại vũ khí hạt nhân.
Đối với Trung Quốc, bản tường thuật chính thức của họ về các lợi ích của quốc gia chủ yếu liên quan đến các vấn đề về môi trường, nghiên cứu khoa học, khảo sát và phát triển tài nguyên thiên nhiên. Thật vậy, sự biến đổi khí hậu và sự thay đổi các luồng không khí đã ảnh hưởng đến thời tiết của một số khu vực ử Trung Quốc. Tuy nhiên, rõ ràng là tham vọng toàn cầu của Trung Quốc là điều ai cũng có thể nhận thấy. Sự xuất hiện của họ tại mọi nơi và tại mọi đại dương, bao gồm cả Bắc cực đã thể hiện rằng Trung Quốc hiện là một siêu cường và họ sẽ trở thành một trong những quốc gia thiết lập lại trật tự thế giới.
Lợi ích của Trung Quốc tại Bắc cực có phần khác biệt hơn so với Nga. Trung Quốc hiện nay có nguồn lực kinh tế, tài chính và công nghệ lớn hơn nhiều so với Nga và khoảng cách ngày càng lớn, thậm chí là động lực kinh tế cũng có phần khác biệt. Trong khi Nga chỉ muốn bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh hàng hải và an ninh biên giới, Trung Quốc đang muốn tiến lên phía trước, tìm kiếm những “lối thoát” mới, tạo ra những cánh cửa khác cho chính họ.
Đề ra chiến lược
Đối với Nga, họ đề ra chiến lược Bắc cực gắn liền với Sáng kiến Đại Âu-Á của họ. Trong đó, tuyến hàng hải của họ và các quốc gia trong khu vực Đại Âu-Á sẽ chủ yếu đi qua vùng biển Bắc Băng Dương. Dự kiến đến năm 2035, 130 triệu tấn hàng hóa sẽ đi qua tuyến hàng hải Bắc Băng Dương này.
Trong khi đó đối với Trung Quốc, chiến lược Bắc cực của họ được thông qua lần đầu tiên vào năm 2018. Trung Quốc dự định sẽ tiến hành nghiên cứu khoa học ở Bắc cực, bảo vệ môi trường và sinh cảnh của người dân bản địa. Đối với chiến lược an ninh, Trung Quốc tuyên bố họ sẽ duy trì ổn định và an ninh thương mại hàng hải và ủng hộ quyền của tất cả các quốc gia sử dụng Bắc cực.
Bên cạnh đó, để thực hiện được chiến lược này, Trung Quốc dự định thành lập một hệ thống quản lý toàn diện Bắc cực. Đây được xem là mâu thuẫn chính trong chiến lược Bắc cực giữa Nga và Trung Quốc. Theo lời dẫn của một nhà phân tích, chiến lược của Trung Quốc là một “nỗ lực để dẫn đầu quá trình tăng cường vai trò của những chủ thể ngoài khu vực Bắc cực và là một mong muốn được ngụy trang để trở thành một trong những chủ thể xây dựng chương trình nghị sự ở Bắc cực”.
Bên cạnh đó, Trung Quốc ủng hộ nguyên tắc tự do hàng hải, bao gồm cả việc đi thuyền qua vùng biển Bắc Băng Dương. Tuyến đường này có lộ trình đến châu Âu ngắn hơn gấp 3 lần so với việc đi đến châu Âu thông qua kênh đào Suez.
Chiến lược của Trung Quốc còn nhấn mạnh cho phép sự hiện diện quân đội của họ tại Bắc băng Dương. Dù hiện nay và trong tương lai gần, Trung Quốc vẫn chưa có bất cứ sự hiện diện quân sự nào tại Bắc cực. Tuy nhiên trong tương lai, lợi ích của Trung Quốc tại Bắc Băng Dương như là phát triển tài nguyên năng lượng, các khoáng sản và hàng hải cần đến sự hiện diện của quân đội. Nhưng từ giờ cho đến thời điểm đó, Trung Quốc phải miễn cưỡng quan sát sự hiện diện quân sự của Nga tại Bắc cực hiện nay.
Hiện thực hóa chính sách
Khi đề ra chiến lược Bắc cực, Nga không chỉ lên kế hoạch củng cố các vị trí suy yếu từ thời Xô viết mà còn nghiên cứu các khả năng mới khi Bắc cực đang tan băng. Khi căng thẳng với Hoa Kỳ leo thang từ thời điểm của cuộc khủng hoảng Ukraine, các đơn vị đồn trú của Nga đã trở lại đảo Novaya Zemlya. Đồng thời, các căn cứ quân sự bị bỏ hoang sau khi Liên Xô tan rã đã được tái kích hoạt và hiện đjai hóa, cùng với đó là các căn cứ không quân đang được xây mới.
Sau cuộc khủng hoảng Ukraine, khả năng hợp tác khai thác, thăm dò dầu khí với các quốc gia phương Tây tại Bắc cực đã bằng không. Nga đang tìm kiếm các khả năng từ các đối tác khác với công nghệ tiên tiến và hiện đại hơn, hầu hết đến từ châu Á.
Quan hệ với phương Tây tan rã, Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành đối tác kinh tế và công nghệ lớn nhất của Nga hiện nay. Nga đã phải nới lỏng các hạn chế trước năm 2014 đế thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vào các dự án năng lượng của Nga.
Nhờ sự “ưu ái”, Bắc Kinh đã ngay lập tức tiến hành hàng loạt các chính sách đầu tư để hiện thực hóa chiến lược Bắc cực của họ. Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc và Quỹ Con đường tơ lụa đã trở thành nhà đầu tư vào dự án dầu khí Yamal LNG. Các công ty quốc doanh của Nga là Gazprom và Rosneft đã đồng ý hợp tác cùng các đối tác Trung Quốc để khai thác dầu khí ở các vùng biển Bắc Băng Dương. Các nhà thầu cơ sở hạ tầng lần lượt đầu tư vốn để hiện đại hóa cảng Arkhangelsk và xây dựng tuyến đường sắt Bạch Hải-Komi-Ural. Tuyến hàng hải Bắc Băng Dương được dụ báo sẽ giúp các thành phố đông bắc Trung Quốc như Đại Liên, Thanh Đảo phát triển mạnh mẽ.
Chiến lược của Trung Quốc hiện nay chủ trương tăng dần lợi ích của mình tại Bắc cực, tránh xung đột, tích lũy tài nguyên và chờ đợi điều kiện thuận lợi để thay thế Nga tại Bắc cực. Đối với Nga, Bắc Kinh bình tĩnh và kiên nhẫn để đối phó. Họ biết rõ rằng Nga cần họ hơn bao giờ hết, sự cô lập về địa chính trị và tụt hậu về công nghệ do bị hạn chế tiếp cận công nghệ từ phương Tây đã khiến Nga trở nên gắn bó với Trung Quốc hơn bao giờ hết.
Ngược lại, Nga vẫn thận trọng về mối quan hệ của họ với Trung Quốc và đang cố gắng bảo vệ chủ quyền của mình. Nga vẫn đang cố gắng phát triển năng lực của chính bản thân mình, củng cố vị thế tại Bắc cực và lôi kéo càng nhiều chủ thể khác dưới sự quản lý của họ tham gia vào Bắc cực càng nhiều càng tốt nhằm tránh sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực này.