Alexander Brazhnikov, giám đốc điều hành của Hiệp hội công nghiệp tiền điện tử và blockchain Nga (RACIB), nói rằng token sẽ được phát hành dưới dạng một stablecoin được hỗ trợ bởi vàng.
Stablecoin nhằm mục đích thay thế các loại tiền tệ fiat (tiền pháp định) như Đô la Mỹ, Rúp Nga và Rial Iran trong các giao dịch xuyên biên giới. Tiền điện tử được đề xuất sẽ hoạt động trong đặc khu kinh tế Astrakhan, nơi Nga đã bắt đầu chấp nhận hàng hoá của Iran.
Nhà lập pháp Nga Anton Tkachev, thành viên của Ủy ban Chính sách Thông tin, Công nghệ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh rằng một dự án stablecoin chung chỉ có thể thực hiện được sau khi thị trường tài sản kỹ thuật số của Nga được quy định đầy đủ. Sau nhiều lần trì hoãn, hạ viện Nga đã hứa sẽ bắt đầu điều chỉnh các giao dịch tiền điện tử vào năm 2023.
Tạo stablecoin để trốn tránh các lệnh trừng phạt thương mại
Iran và Nga nằm trong số các quốc gia đã cấm công dân sử dụng tiền điện tử như Bitcoin và stablecoin như Tether trong thanh toán. Đồng thời, cả hai nước này đều đang tích cực làm việc để áp dụng tiền điện tử như một công cụ ngoại thương.
Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran đã cho phép sử dụng tiền điện tử để nhập khẩu vào tháng 8-2022, bất chấp các lệnh trừng phạt thương mại quốc tế đang diễn ra.
Theo chính quyền địa phương, các biện pháp mới sẽ hỗ trợ Iran giảm thiểu các biện pháp trừng phạt thương mại toàn cầu. Cùng tháng đó, Iran đã đặt đơn hàng nhập khẩu quốc tế đầu tiên trị giá 10 triệu USD bằng tiền điện tử.
Vào tháng 9-2022, ngân hàng trung ương Nga, theo truyền thống phản đối việc sử dụng tiền điện tử làm phương thức thanh toán, đã đồng ý cho phép thanh toán tiền điện tử trong giao dịch nước ngoài do các lệnh trừng phạt sau cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nga chưa bao giờ chỉ định loại tiền điện tử nào sẽ được sử dụng cho các giao dịch đó.