Trao đổi ý kiến với cử tri về nạn “tín dụng đen”, lừa đảo trên mạng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, lừa đảo, vu khống trên mạng đang gây bức xúc lớn cho xã hội. Do đó, mỗi một gia đình, mỗi công dân cần nêu cao cảnh giác. Chủ tịch nước cho biết tổ đại biểu sẽ tiếp thu các phản ảnh này, chuyển tới các cấp lãnh đạo của quận, huyện… để có biện pháp xử lý, ngăn chặn, phòng chống hiệu quả hơn.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận “tín dụng đen”, lừa đảo trên mạng đang hoạt động rất tinh vi, có cả người nước ngoài tham gia điều hành. Kể cả cán bộ ở các sở, ngành, văn phòng UBND TP… cũng bị gọi điện tới hăm dọa, khủng bố đòi nợ thuê. Đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng không chỉ xảy ra ở TPHCM, mà vấn nạn này cũng đang gây bức xúc ở nhiều địa phương khác.
Thực tế, thời gian qua, “tín dụng đen” đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Do khó khăn, đa phần người vay thường chọn thông tin qua tờ rơi quảng cáo, hay thông tin trên mạng xã hội. Do thủ tục nhanh, gọn, đơn giản, như qua ứng dụng, hoặc gọi trực tiếp, mà không ai ngờ rằng phía sau đó là một cái bẫy.
Sau khi dính “tín dụng đen” với lãi suất cắt cổ, người vay sẽ bị khủng bố đủ kiểu. Nhẹ là tạt sơn, sau đó là gọi điện thoại đến người thân, hoặc gọi thẳng cho lãnh đạo công ty, đơn vị mà người vay đang công tác. Lúc đầu, lời lẽ nhẹ nhàng, nhưng sau đó cấp độ nguy hiểm tăng dần. Băng nhóm cho vay “tín dụng đen” còn kéo theo nhiều loại tội phạm khác như: cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, xâm phạm chỗ ở người khác, giết người…
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 49 ngân hàng, 112 chi nhánh và văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài đặt tại Việt Nam, 16 công ty tài chính và 10 công ty cho thuê tài chính được cấp phép hoạt động.
Cùng với đó, các tổ chức tài chính vi mô, đặc biệt là hệ thống hàng trăm quỹ tín dụng nhân dân, vươn đến tận các xã, phường trên khắp cả nước. Tất cả các tổ chức tín dụng này đều thực hiện việc cho vay với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh gọn và hướng đến mọi đối tượng vay trong xã hội nếu đủ điều kiện.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao tín dụng tiêu dùng chính thức của nhà nước phủ kín đến tận các vùng nông thôn, miền núi nhưng “tín dụng đen” vẫn có đất sống? Theo các chuyên gia, sở dĩ các tổ chức “tín dụng đen” sống được là có thể cho vay những món nhỏ lẻ, giải ngân nhanh, không cần thế chấp tài sản. Trong khi đó, dù đã tinh giản thủ tục hành chính đến mức thấp nhất nhưng thủ tục vay vốn tại các ngân hàng, các tổ chức tín dụng hợp pháp hiện nay vẫn còn rườm rà, phải qua nhiều bước.
Ngoài ra, hiện nay phần lớn các tổ chức “tín dụng đen” đều núp bóng các doanh nghiệp là cơ sở cầm đồ, dịch vụ kinh doanh tài chính, vay trực tuyến qua app, vay ngang hàng, hỗ trợ tài chính, đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân. Do vậy, khi có nhu cầu tài chính, người dân dễ dàng sập bẫy “tín dụng đen”.
Để ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ, có giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước hết là tuyên truyền để người dân hiểu rõ các hình thức, thủ đoạn và hệ lụy của tín dụng đen; quản lý chặt hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng núp dưới vỏ bọc “hỗ trợ tài chính”.
Tại TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định: Các cơ quan chức năng ở cả trung ương và địa phương đã vào cuộc xử lý rất quyết liệt và kịp thời phát hiện, xử lý, thậm chí là khởi tố vụ án, đối tượng hoạt động dưới các hình thức tín dụng trá hình, lừa đảo, đòi nợ thuê, điện thoại khủng bố, đe dọa; song song đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhân dân cần mở rộng các khoản vay tiêu dùng, có thêm nhiều sản phẩm cho vay nhỏ, ngắn hạn. Về lâu dài, cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay theo hướng đơn giản về thủ tục, chặt chẽ hơn về trách nhiệm thực hiện quy trình của cán bộ tín dụng; tăng chế tài xử lý về hình sự, hành chính đối với loại tội phạm này!