Ngân hàng có vốn nhà nước lãi suất thấp nhưng vì sao dân vẫn 'ùn ùn' gởi tiền?

(ĐTTCO) - Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng số dư tiền gửi khách hàng tại 27 ngân hàng thương mại (NHTM) đạt hơn 8,2 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021. Top 10 NH dẫn đầu đã huy động hơn 6,5 triệu tỷ đồng (chiếm 78%), 17 NH còn lại huy động 1,7 triệu tỷ đồng (chiếm 22%).
Ngân hàng có vốn nhà nước lãi suất thấp nhưng vì sao dân vẫn 'ùn ùn' gởi tiền?

Trong Top 10, có 3 NHTM có vốn nhà nước đứng đầu bảng, cụ thể BIDV dẫn đầu với hơn 1,47 triệu tỷ đồng, tiếp theo Vietcombank và VietinBank với số dư tiền gửi khách hàng trên 1,2 triệu tỷ đồng. Đáng lưu ý là 3 “ông lớn” huy động được nhiều nhưng với lãi suất (LS) thấp nhất thị trường.

7 NH còn lại trong top 10 (Sacombank, MB, ACB, SHB, Techcombank, VPBank, LienVietPostBank) có mức LS ở mức trung bình, và 17 NHTMCP còn lại là nhóm có LS huy động cao nhất thị trường.

Vậy vì sao NHTM có vốn nhà nước huy động LS thấp nhưng lại thu hút tiền gửi nhiều?

Thật ra 3 “ông lớn” có lợi thế từ nguồn tiền gửi của các tổ chức nhà nước, thậm chí những năm về trước còn được nhận tiền gửi thanh toán từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) với mức LS không kỳ hạn, trong khi đó các NH này có thể sử dụng khoảng 25-30% trong số đó để cho vay trung, dài hạn với lãi suất 9-10%/năm.

Từ tháng 11-2019, nguồn tiền từ KBNN phải kết chuyển về NHNN theo quy định của Bộ Tài chính, và các NH phải đấu thầu công khai để được nhận tiền gửi có kỳ hạn của KBNN. Và theo Thông tư 22/2019 của NHNN, quy định các NH không đưa tiền gửi có kỳ hạn của KBNN vào cấu phần tổng huy động. Nhưng mới đây tại Thông tư 26/2022/TT-NHNN, đã sửa đổi quy định tiền gửi có kỳ hạn của KBNN tại các NH sẽ được tính vào tổng huy động với một tỷ lệ khấu trừ nhất định, như năm 2023 là 50%.

Số liệu của Cục Quản lý ngân quỹ nhà nước thuộc KBNN, đến cuối năm 2022 có khoảng 270.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ 1-2-3 tháng nằm trong Big 4 (gồm 3 ông lớn và Agribank), như vậy tương ứng họ sẽ có thêm khoảng 135.000 tỷ đồng LS thấp.

Vì sao các NHTMCP không lọt vào danh sách đấu thầu nhận tiền gửi của KBNN? Vì phải được NHNN đánh giá về tính an toàn, hoạt động hiệu quả, sau đó Bộ Tài chính lọc theo tiêu chí quy định, trong khi Big 4 có ưu thế vượt trội hơn hẳn về quy mô tài sản và vốn.

Còn trên phương diện thị trường, uy tín của nhóm Big 4 là điểm đến của phần đông người dân và doanh nghiệp (DN) nói chung, các DN nhà nước, DN tư nhân quy mô lớn nói riêng. Điểm lợi thế nữa là Big 4 dẫn đầu về số lượng thẻ đang lưu hành trên thị trường, và đằng sau đó nguồn tiền gửi không kỳ hạn rất lớn. Năm 2022, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng huy động tại Vietcombank là 33,9%, VietinBank là 20% và tại BIDV là 18,8%.

Có điều kiện như vậy, nhóm Big 4 cho vay với LS cũng dễ chịu hơn NHTMCP. Vốn rẻ đương nhiên ai cũng muốn tiếp cận, nhưng họ không thể cho vay vô giới hạn và bị bó buộc bởi nhiều quy định của Luật Tổ chức tín dụng, có thời điểm họ còn được cấp hạn mức tín dụng thấp hơn các NHTMCP.

Cho nên dòng vốn rẻ này luôn bơm một cách có chọn lọc, chảy vào các DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN tư nhân quy mô lớn hay các ngành nghề ưu tiên theo quy định của NHNN, và các cá nhân nhưng phải đáp ứng được tiêu chí “khỏe mạnh”.

Chính vì vậy buộc các NHTMCP luôn phải huy động cao hơn hơn từ 1-3%/năm so với nhóm Big 4 để cạnh tranh. Dĩ nhiên cho vay ra cũng cao hơn. Lãi cho vay cao hơn vậy ai vay của họ? “Lọt sàng xuống nia”, những khách hàng không tiếp cận được vốn rẻ từ các Big 4 sẽ tìm đến NHTMCP.

Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, với mức LS huy động 10-11%/năm thì LS vay trung và dài hạn lên đến 14-15%/năm. Các DN sản xuất kinh doanh có lẽ cũng sẽ không “cố đấm ăn xôi” để vay cao như vậy. Nhưng với DN cần vay để đáo hạn nợ, đáo hạn trái phiếu, hoặc các DN sân sau của NH… thì đó là “phao cứu sinh”.

Các tin khác