Vậy thực tế về sự đồng hành của ngân hàng (NH) với doanh nghiệp (DN) thời gian qua như thế nào?
Tương phản lãi - lỗ
Như đã được dự báo trước, kết thúc quý I nhiều DN bất động sản (BĐS) báo cáo kết quả kinh doanh lỗ nặng, không có doanh thu. Đám mây mù thua lỗ còn bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác, trong đó có nhiều DN là “ông lớn” trong các ngành nghề. Chẳng hạn, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) lần đầu tiên lỗ theo quý sau 7 năm, khi doanh thu đạt gần 2.200 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận giảm từ 11% xuống còn 6%. CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) cũng báo lỗ sau thuế là hơn 81 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2022 lãi 184 tỷ đồng).
Tương tự, doanh thu thuần của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam đạt 2.313 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ và trừ các khoản chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý DN, lợi nhuận sau thuế âm 320 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của “đại gia" bán lẻ Thế giới Di động giảm 36%, còn 5.214 tỷ đồng, tương ứng mức giảm ròng hơn 2.900 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022. CTCP Thép Mê Linh có lãi sau thuế quý I đạt gần 2 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm trước. CTCP Gang Thép Thái Nguyên lỗ sau thuế gần 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 29 tỷ đồng.
Rộng hơn, tính đến ngày 5-5 đã có 1.013/1.679 DN và NH niêm yết, đại diện gần 97% vốn hóa trên HoSE, HNX và UPCoM công bố kết quả kinh doanh quý I. Trong số này, FiinGroup thống kê lợi nhuận sau thuế của khối DN giảm gần một nửa so với cùng kỳ (mức giảm tổng cộng 42,6%).
Cuối phiên thảo luận về kinh tế, xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thông tin, nhiều DN lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì có thể bán được đã bán, chỉ bằng 50% giá thực và người mua là DN nước ngoài. Phác thảo như vậy đủ thấy các DN đang ở trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, ngành NH vẫn hồ hởi báo lãi lớn, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng tiếp tục tăng. Số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý I cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của 27 NHTMCP đang giao dịch trên sàn chứng khoán đạt trên 65.000 tỷ đồng trong quý I. Trong đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của top 10 NH đứng đầu gần 53.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng lợi nhuận 27 NH niêm yết quý I thấp hơn cùng kỳ 2022 khoảng 4,4% (quý I-2022 đạt gần 68.000 tỷ đồng). Nhưng nếu không tính khoản thu nhập bất thường lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng nhờ ký hợp đồng bancassurance độc quyền với bảo hiểm trong năm 2022, tổng lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh truyền thống của các NH niêm yết trong 3 tháng đầu năm nay vẫn cao hơn năm ngoái.
Đồng hành hay đang bào mòn?
Trong khi DN khó khăn không có đầu ra, kéo theo tín dụng 4 tháng chỉ tăng 2,75% do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp, nhưng các nhà băng vẫn sống khỏe bởi mức tăng trưởng khả quan của thu nhập lãi thuần. Có nghĩa, NH lãi lớn chính là nhờ DN và người dân đóng lãi vay.
Ghi nhận trong quý I, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt hơn 14.200 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2022; BIDV đạt gần 14.000 tỷ đồng, tăng 8,6%. Tương tự, thu nhập lãi thuần chiếm 75% tổng thu nhập hoạt động của MSB đạt hơn 2.150 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Theo NH, kết quả này dựa trên việc kiểm soát danh mục tín dụng và được dẫn dắt bởi biên lãi thuần ở mức 4,39%. Hay VIB thu nhập lãi thuần tăng 22,4% lên hơn 4.300 tỷ đồng…
Trong mùa ĐHCĐ mới đây, các nhà băng rất tự tin sẽ hoàn thành và vượt các mục tiêu kinh doanh 2023 đã đề ra. Tổng giám đốc một NHTMCP đã khẳng định, dù trong ngắn hạn tình hình kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh tiếp tục đối diện nhiều thách thức, nhưng NH vẫn bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu kinh doanh đề ra, có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi nền kinh tế và một số thị trường như BĐS, trái phiếu phục hồi mạnh mẽ.
Đáng buồn, việc này diễn ra cùng lúc với kết quả kinh doanh của DN ngày càng xấu, ngoài tác động chính từ bên ngoài còn đến từ chi phí lãi vay. Đơn cử, CTCP Gang Thép Thái Nguyên, chi phí phát sinh trong 3 tháng đầu năm chủ yếu là chi phí chi lãi vay vốn hóa. Còn tại Tập đoàn Lộc Trời, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc, cho biết dù doanh thu thuần có tăng nhưng do một số chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng, đã khiến lợi nhuận giảm mạnh.
Báo cáo tài chính quý I cũng thể hiện DN này có một số khoản vay ngắn hạn phát sinh cuối năm trước và đầu năm nay có lãi suất lên đến 11-12,28%. Hay DN đầu ngành trong sản xuất xuất khẩu cá tra Vĩnh Hoàn ghi nhận chi phí lãi tiền vay hơn 37 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, mức tăng gần 95%. Với các khoản vay ngoại tệ, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết các năm trước lãi vay USD chỉ từ 2,4%/năm, nay 4,2-4,9%/năm.
Tại hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 do NHNN tổ chức ngày 25-4, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, đã chỉ rõ lãi suất cho vay đầu tháng 4 của nhiều nhà băng vẫn lên tới 13-14%/năm, cá biệt có NH đưa lãi suất cho vay bình quân lên tới 14,63%/năm. Lãnh đạo NHNN còn yêu cầu một số NH giải thích việc đưa lãi suất cho vay cao.
Thực tế, hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ và NHNN, các NH cũng dành một phần vốn để cho vay với lãi suất ưu đãi. Nhưng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, vốn rẻ này luôn bơm một cách có chọn lọc, tập trung ở các DN lớn, khỏe mạnh. Các DN còn lại phải chấp nhận vay lãi suất cao hơn. Dù NH cũng là DN, cũng cần có lợi nhuận để bảo đảm quyền lợi NH, cổ đông, nhưng cần có sự chia sẻ với cộng đồng DN, bằng cách giảm bớt biên lợi nhuận để giảm lãi vay. Đó mới đúng là đồng hành cùng DN.
DN vay với chi phí lãi cao đồng nghĩa càng làm càng lỗ. Đến lúc nào đó DN chịu không nổi sẽ vỡ nợ, phá sản, khó khăn sẽ ập vào chính các NH.