Ngân hàng ngầm thống trị (K1): Hồi chuông cảnh báo

Hoạt động ngân hàng ngầm (shadow banking) được cho là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Tính tới năm 2010, ngân hàng ngầm chiếm tới hơn 1/4 toàn bộ hệ thống tài chính và tương đương 1/2 tổng giá trị tài sản của tất cả các ngân hàng. Hiện quy mô của ngân hàng ngầm trên toàn thế giới đã đạt mức 67.000 tỷ USD.

Hoạt động ngân hàng ngầm (shadow banking) được cho là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Tính tới năm 2010, ngân hàng ngầm chiếm tới hơn 1/4 toàn bộ hệ thống tài chính và tương đương 1/2 tổng giá trị tài sản của tất cả các ngân hàng. Hiện quy mô của ngân hàng ngầm trên toàn thế giới đã đạt mức 67.000 tỷ USD.

Shadow banking là thuật ngữ mới xuất hiện gần đây, nhưng các hoạt động tài chính ngoài ngân hàng đã xuất hiện phổ biến từ lâu và hầu như nước nào cũng có. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, shadow banking được chú ý vì nhiều chuyên gia tin rằng nó là cơn sóng ngầm có thể xô đổ nền tài chính thế giới trong tương lai nếu không có những biện pháp kiểm soát kịp thời.

Những bản án tử hình

Tháng 12-2009, một vụ án làm chấn động công luận Trung Quốc và cũng dấy lên hồi chuông báo động về hoạt động ngân hàng ngầm. Lúc đó, một tòa án ở Trung Quốc tuyên án tử hình đối với nữ doanh nhân Ngô Anh (28 tuổi), người phụ nữ giàu thứ 6 Trung Quốc đại lục với biệt danh “Chị gái giàu có”, vì huy động 55,7 triệu USD từ nhà đầu tư rồi quịt nợ.

Tội của bà Ngô liên quan đến một hoạt động phổ biến tại Trung Quốc: huy động tiền từ dân chúng với lời hứa sẽ trả lãi suất cao hơn nhiều so với hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Hoạt động bên ngoài hệ thống ngân hàng và sự quản lý của chính phủ, mạng lưới cho vay không chính thức, được biết như hệ thống ngân hàng ngầm (SBS) ở Trung Quốc ước tính lên đến 1.300 tỷ USD, theo Ren Xianfang, một nhà phân tích của IHS Global Insight (IHS) ở Bắc Kinh.

Trước đó vài tháng, một số người hoạt động ngân hàng ngầm ở Trung Quốc cũng đã bị án tử hình. Ngày 5-8-2009, Tòa án Tối cao Trung Quốc phê chuẩn án tử hình đối với 2 nữ doanh nhân trong các vụ án khác nhau. Một người là Si Chaxian, bị tử hình vì lừa đảo huy động 167 triệu NDT từ 300 nhà đầu tư cá nhân. Người kia là Du Yimin, với tội danh lừa đảo các nhà đầu tư 709 triệu NDT.

Từ năm 2009 đến tháng 4-2012, ít nhất có 17 người ở Trung Quốc bị phán án tử hình vì huy động vốn trái phép từ các nhà đầu tư cá nhân, theo dữ liệu của hãng tin tài chính Bloomberg. Vụ mới nhất diễn ra ngày 6-4-2012, khi Wang Caiping (30 tuổi) bị phán tử hình do cấu kết cùng anh trai huy động hơn 100 triệu NDT từ 15 nhà đầu tư. Tuy nhiên, 2 người này đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Lợi hay hại?

Có nhiều định nghĩa khác nhau về SBS, nhưng nhìn chung đó là các hoạt động trung gian tín dụng giống như ngân hàng được thực hiện ngoài hệ thống NHTM. Tùy theo cách tiếp cận, shadow banking có vai trò tích cực hoặc tiêu cực. Ở mặt tích cực, theo Paul McCulley - người đầu tiên sử dụng thuật ngữ shadow banking, SBS đưa ra những công cụ và sản phẩm tài chính cạnh tranh với hệ thống NHTM để tạo ra sự linh hoạt và vòng quay vốn nhanh hơn, nhằm luân chuyển nguồn vốn từ nơi có lợi suất thấp đến nơi có lợi suất cao.

Như vậy, SBS đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, đặc biệt đáp ứng nhu cầu về vốn cho các công ty tư nhân và là nơi các nhà đầu tư cá nhân tìm đến để chống lại lạm phát. Fred Hu, cựu Chủ tịch Goldman Sachs tại Trung Quốc, cho rằng tấn công hệ thống SBS khi nền kinh tế đang yếu ớt có thể tiềm ẩn rủi ro. Ông cho rằng nếu không có SBS, Trung Quốc đã phải "hạ cánh cứng" từ lâu.

Bà Ngô Anh từng bị phán tử hình vì hoạt động ngân hàng ngầm.

Bà Ngô Anh từng bị phán tử hình vì hoạt động ngân hàng ngầm.

Ở mặt tiêu cực, vì các thực thể cung cấp những dịch vụ ngân hàng ngầm không phải là NHTM, nên không bị quản lý, giám sát như các NHTM. Nếu các thực thể này là những công ty, tổ chức hoạt động dưới sự giám sát của luật pháp về tài chính, như các công ty tài chính, quỹ đầu cơ tín dụng, quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ, công ty cho vay bảo đảm, tổ chức kinh doanh được chính phủ bảo trợ (GSEs)... những dịch vụ do họ cung cấp sẽ phần nào được giám sát bởi các quy định pháp luật về quản lý thị trường tài chính và công cụ tài chính phái sinh nên ít rủi ro hơn.

Tuy nhiên, khi các thực thể cung cấp dịch vụ ngân hàng ngầm là các cá nhân (như những trường hợp nêu trên ở Trung Quốc), hoạt động này tiềm ẩn rủi ro lớn vì người cho vay có khả năng bị quịt nợ.

Nói như vậy không có nghĩa khi các dịch vụ ngân hàng ngầm được cung cấp bởi các thực thể tổ chức sẽ không có nguy cơ. Trong thực tế, ở những nước có thị trường tài chính đang phát triển như Trung Quốc, Việt Nam, những quy định của pháp luật về quản lý thị trường tài chính và công cụ tài chính phái sinh còn rất yếu kém.

Ngay cả những thị trường phát triển như Hoa Kỳ và châu Âu, sự giám sát, quản lý của pháp luật về thị trường tài chính ngoài ngân hàng cũng chưa theo kịp sự biến hóa của thị trường này. Ngoài ra, bản thân các tài sản, dịch vụ được cung cấp trong SBS như tài sản phái sinh, hoạt động repo cổ phiếu, cho vay margin… tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đặc biệt, từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hoạt động ngân hàng ngầm càng bành trướng trong bối cảnh các NHTM truyền thống bị nhiều sự quản lý hơn. Theo dữ liệu của Ủy ban Ổn định tài chính (FSB), một nhóm các nhà làm chính sách tài chính toàn cầu, số lượng và khối lượng giao dịch của hoạt động ngân hàng ngầm tăng dần từ năm 2000, nhưng tăng vọt kể từ sau năm 2008.

Tính đến tháng 11-2012, theo dữ liệu của Bloomberg, hệ thống ngân hàng ngầm toàn cầu đã tăng vọt từ quy mô 60.000 tỷ USD năm 2011 lên 67.000 tỷ USD. Vấn đề đặt ra là phải giám sát hoạt động ngân hàng ngầm như thế nào để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tài chính ở từng nước và trên toàn cầu.

-----------

Kỳ 2: Nỗ lực kiểm soát

Các tin khác