Phát biểu tại phiên họp của Thường trực Chính phủ vào chiều nay, 8/3, chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc ứng phó Covid-19, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, cùng với đề nghị các ngân hàng thương mại (NHTM) năm nay không chia cổ tức bằng tiền mặt, NHNN không khuyến khích các ngân hàng có lợi nhuận trong năm nay để chia sẻ với nền kinh tế.
Ông Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng là giải pháp cơ cấu lại nợ, kể cả nợ gốc và nợ lãi. Theo đó từ thời điểm Thủ tướng tuyên bố dịch ngày 23/1/2020 cho đến khi nào Thủ tướng tuyên bố hết dịch và cộng thêm 3 tháng nữa, dự kiến tất cả các khoản nợ gốc và nợ lãi đến hạn thời gian đó sẽ được cơ cấu lại, không chuyển nhóm, không phải trả gốc và lãi trong giai đoạn này. Đây là biện pháp mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp, cùng với giảm lãi suất và điều hành tỷ giá linh hoạt thì góp phần quan trọng cho nền kinh tế.
Về cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, kể từ ngày 31/3, các tổ chức tín dụng giảm mạnh lãi suất. Riêng cơ cấu lại nợ, đến nay theo báo cáo của các tổ chức tín dụng khoảng trên 52.000 khách hàng được cơ cấu lại nợ với tổng dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng; Miễn giảm lãi cho hàng nghìn khách hàng cho hàng nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 125.000 tỉ đồng, cho vay mới khoảng 165.000 tỷ. Như vậy tổng dư nợ từ cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm và cho vay mới đã lên đến khoảng 300.000 tỷ đồng.
Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay là 14%, ngành ngân hàng có thể cung ứng cho nền kinh tế khoảng 1 triệu tỉ đồng. Còn nếu mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn, ở mức 10-11%, thì cũng có thể cung ứng từ 800.000 đến 900.000 tỉ đồng, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh.
Về phần vốn dành cho gói an sinh xã hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị dự thảo Thông tư hướng dẫn phần cho vay tái cấp vốn đối với Ngân hàng chính sách Xã hội Việt Nam, để khi Chính phủ ban hành gói hỗ trợ thì có ngay hướng dẫn kịp thời. Việc triển khai sẽ đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng.
Trước đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã xây dựng phương án hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 theo hướng được vay vốn với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng. Dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu lao động.