Ngân hàng 'quay xe' chuyển hướng sang phân khúc cá nhân

(ĐTTCO) - Tập trung khách hàng cá nhân đang là sự lựa chọn tối ưu của nhiều ngân hàng nhằm cải thiện biên lợi nhuận trong thời điểm hiện nay.
Ảnh minh họa: Viết Chung
Ảnh minh họa: Viết Chung

Thế nên, các nhà băng đang ưu tiên phát triển NH bán lẻ để chiếm thị phần mảng khách hàng cá nhân qua việc đẩy mạnh vay tiêu dùng trên nhiều hình thức.

Từ kênh truyền thống đến trực tuyến

Thống kê trong các tháng đầu năm, các gói tín dụng có lãi suất ưu đãi được các NHTM tung ra có rất nhiều khoản dành cho vay cá nhân. Đơn cử, VietinBank có gói tín dụng 100.000 tỷ đồng với lãi suất từ 7,1%/năm. BIDV với gói 20.000 tỷ đồng cho vay cá nhân lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, gói 50.000 tỷ đồng hỗ trợ cá nhân sản xuất kinh doanh trong mọi lĩnh vực, lãi suất 7-8%/năm.

Vietcombank dành gói 100.000 tỷ đồng, lãi suất 7,5-8,6%/năm cho cá nhân, hộ kinh doanh vay ngắn hạn. Tương tự, MB triển khai chương trình vay dành cho cá nhân kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ từ 0,7%/tháng. BacABank dành 5.000 tỷ đồng tiếp sức kinh doanh cá nhân với lãi suất ngắn hạn giảm 0,3-0,5%/năm.

KienlongBank có gói 4.000 tỷ đồng cho cá nhân sản xuất nông nghiệp, nông thôn giảm lãi tối đa 1%/năm so với mức lãi thông thường. VIB hỗ trợ cá nhân vay nhanh bổ sung vốn lưu động tới 15 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. DongABank, Sacombank cũng có chương trình vay ưu đãi lãi suất cho cá nhân mua nhà, sửa chữa nhà ở.

Gần đây, các nhà băng cũng lên kế hoạch cho vay trực tuyến. BIDV áp dụng sản phẩm cho vay online cầm cố bằng sổ tiết kiệm/chứng chỉ tiền gửi bằng VNĐ. Mức cho vay đến 90% giá trị khả dụng của tài sản đảm bảo, tối đa 1 tỷ đồng/khoản vay, tối thiểu 1 triệu đồng/khoản vay, lãi suất vay bằng lãi suất khoản tiền gửi nhận cầm cố cộng 1%. Ngoài ra, lãnh đạo BIDV cho biết NH triển khai thí điểm cấp tín dụng cho cá nhân theo kết quả xếp hạng tín dụng, dựa trên thông tin dữ liệu căn cước công dân do Bộ Công an cung cấp.

Trong khi đó, VPBank có sản phẩm vay tiêu dùng tín chấp trực tuyến, cho phép khách hàng đăng ký và nhận giải ngân sau 1 phút. Khách hàng cá nhân của Techcombank cũng có thể vay thấu chi trực tuyến trong vòng 30 giây, với thủ tục và hồ sơ tối giản.

Phía OCB đang đẩy mạnh cho vay mua nhà trực tuyến Unlock Dream Home, từ khâu tìm nhà tới cấp hạn mức đều được làm qua mạng. Khách hàng mục tiêu là thanh niên tìm mua nhà dưới 2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho biết đầu năm 2023 NH đã triển khai NH số Liobank cho khách hàng trẻ, khi được NHNN cho phép Liobank có thể tự động hóa 100%.

Kênh cải thiện lợi nhuận, cân bằng rủi ro

Nhìn vào hoạt động của các nhà băng, mức độ chuyển dịch sang mảng bán lẻ (mảng có biên lợi nhuận cao và tiềm năng phát triển các mảng bán chéo) càng ngày càng đậm nét hơn. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect, năm 2022 VIB và ACB có tỷ trọng bán lẻ cao nhất, lần lượt ở mức 87% và 64%.

Báo cáo thường niên năm 2022 của ACB cũng cho biết, NH đã thu hút thêm gần 1 triệu khách hàng cá nhân, nâng số lượng khách hàng cá nhân lên 5,2 triệu. Đồng thời, dư nợ cá nhân đạt mức tăng trưởng 18% trong năm ngoái, chủ yếu từ cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, mua nhà và tiêu dùng. Đây cũng là năm đánh dấu lần đầu tiên nhà băng này đạt được NIM cao (4%), nhờ vào chiến lược tập trung bán lẻ, cấu trúc nguồn vốn và lãi suất linh hoạt.

VietinBank, VPBank, TPBank, và MB cũng là những cái tên đáng chú ý, khi thành công trong việc nâng tỷ trọng bán lẻ trong năm 2022 lên trên 50% trong tổng danh mục. Tại OCB, tỷ trọng cho vay bán lẻ tăng từ 36% năm 2020 lên 40% trong năm 2022, tương ứng dư nợ bán lẻ tăng từ 32.100 tỷ đồng lên 49.500 tỷ đồng. Đặc biệt, tăng trưởng mảng này đạt 30% trong khi mảng khách hàng doanh nghiệp (DN) tăng chưa đầy 12% trong năm ngoái.

Cho vay bán lẻ với sự tăng trưởng nhanh đang trở thành hướng đi của các nhà băng để cân bằng rủi ro danh mục tín dụng và vì nhiều ưu đãi khác. Năm ngoái, NHNN đã ưu ái cấp thêm hạn mức tín dụng đối với các nhà băng có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao. Thế nên, hầu như NH nào cũng định hướng chuyển trọng tâm sang các lĩnh vực này.

Theo ông Nguyễn Hữu Trung, Quyền Tổng giám đốc Vietbank, năm nay NH sẽ chú trọng phát triển hệ khách hàng truyền thống theo định hướng bán lẻ, đồng thời ưu tiên cung ứng vốn cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ Chính phủ ưu tiên.

Lãnh đạo MSB cũng cho biết, kế hoạch năm 2023 được đặt ra trên cơ sở thận trọng, vừa duy trì tăng trưởng hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn vốn, giảm thiểu các rủi ro tín dụng, kiểm soát nợ xấu. MSB sẽ đẩy mạnh tiến độ chiếm thị phần mảng khách hàng cá nhân của NH bán lẻ để mảng này trở thành động lực tăng trưởng chính của MSB.

Năm nay, khối DN gặp khó khăn, nhu cầu vay vốn sụt giảm, càng đẩy các nhà băng đến gần khách hàng cá nhân hơn. Các chương trình cho vay cá nhân nở rộ là giải pháp để NH vượt qua rủi ro NIM thu hẹp.

Nhưng với tiêu chí đó, cá nhân vẫn phải gánh lãi suất quá cao, gây áp lực cho người đi vay. Chẳng hạn, tháng 4 Vietcombank triển khai chương trình “An tâm lãi suất”, cho vay cố định áp dụng các mức lãi suất 10,2%/năm (18-24 tháng), 11%/năm (36 tháng), 12%/năm (60 tháng), 13,5%/năm (84 tháng) và 14%/năm (120 tháng). Nhiều NH cũng công bố gói tín dụng ưu đãi 8-9%/năm nhưng áp dụng vài tháng đầu, sau đó là lãi suất thả nổi và thường trên 10%/năm.

Thu nhập giảm sút do tình hình chung cộng với lãi suất cao, sức vay của cá nhân các tháng đầu năm cũng chậm lại. Dữ liệu của CTCP Dữ liệu kinh tế Việt Nam cho biết, tính đến cuối quý I, tổng dư nợ tín dụng cá nhân của 29 NHTM nằm trong khảo sát chỉ đạt hơn 5,15 triệu tỷ đồng, tương ứng chỉ tăng 1,66%. Về tỷ trọng, dư nợ cá nhân giảm từ mức 50,4% trong tổng dư nợ vào cuối 2022 xuống còn 49,5% cuối quý I. Nguyên nhân một phần do nhu cầu cá nhân vay mua nhà, ô tô đều giảm mạnh.

Hiện tại, NHNN tiếp tục giảm thêm mức lãi suất điều hành từ ngày 25-5, nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ DN. Đồng thời giảm lãi suất sẽ kích cầu thị trường, người dân có thể tiêu dùng nhiều hơn với chi phí vốn thấp. Qua đó, kỳ vọng kích thích tăng trưởng kinh tế.

Nhưng sau các đợt giảm lãi suất trước, lãi suất cho vay với DN, cá nhân vẫn rất cao. Liệu trước yêu cầu kích cầu thị trường nội địa, hỗ trợ DN, kích thích tăng trưởng, NH có sớm giảm lãi suất cho DN, cũng như cho khách hàng mục tiêu là khối cá nhân, như mong đợi?

Các tin khác