Bởi vậy, những cuộc gặp gỡtại các hội nghị kết nối giữa nhà băng và doanh nghiệp đã ngày càng gấp gáp hơn...
Tại Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội ngày 21/9/2023, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong gần 9 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 11 hội nghị và nhiều cuộc họp, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số nhóm ngành, lĩnh vực, lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; 2 hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đặc biệt tại hầu hết các địa phương đã có hàng chục hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức.
Theo đánh giá của giới phân tích, khi các kênh dẫn vốn trên thị trường tài chính bị tê liệt hoặc đình trệ thì dường nhu mọi nhu cầu vốn của nền kinh tế đều dồn về kênh tín dụng ngân hàng. Bởi vậy, những khó khăn của doanh nghiệp qua 2 năm đại dịch cộng thêm hơn 1 năm bị tác động bởi những cú sốc từ cuộc chiến Nga – Ukraine, hay những cú bóp/thả phanh tiền tệ của Fed, trong cuộc chiến chống lạm phát/bảo toàn đồng USD đã thực sự bị ngấm đòn. Bức tranh đó đã phản ánh vào tình hình tài chính của ngân hàng.
Khó khăn tiếp cận các chính sách hỗ trợ
Từ đầu năm 2023, những “vùng xám” bắt đầu xuất hiện, thể hiện qua tăng trưởng lợi nhuận âm của nhiều ngân hàng lớn, trong khi nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn phình to.
Hơn lúc nào hết, các ngân hàng đang tích cực cùng khách hàng tìm giả pháp vượt qua giai đoạn được cho là đặc biệt khó khăn.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, bà Trịnh Thị Ngân cho biết tại Hà Nội, những cuộc đối thoại như giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức mỗi quý một lần.
“Đến thời điểm này, dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 576 nghìn tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ toàn thành phố. Riêng dư nợ được giải ngân thông qua chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp khoảng 553 nghìn tỷ đồng. Do đó, chúng tôi đánh giá rất cao chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp như thế này”, bà Ngân nói.
Mặc dù dư nợ tín dụng nói trên chưa thấm vào đâu so với nhu cầu vốn của hơn 300 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trên địa bàn Hà Nội, song bà Ngân cho biết cộng đồng SME đánh giá cao những cuộc đối thoại như thế này.
“Chúng tôi cũng hiểu rằng nếu như doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt, có phương án kinh doanh tốt thì là khách quý của ngân hàng. Chúng tôi vẫn hay nói đùa đó là những khách mà ngân hàng tranh nhau và luôn sẵn sàng giảm lãi vay một chút vì tin tưởng khả năng trả nợ”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết.
Trong số nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận tín dụng, theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, cốt lõi nhất vẫn là ngân hàng còn mù mờ, phập phồng về khả năng trả nợ của doanh nghiệp, do đó, các ngân hàng vẫn cứ bám vào chiếc “phao cứu sinh” là tài sản đảm bảo. Thậm chí, tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo cũng thấp.
Để tháo gỡ một phần vấn đề này, Chính phủ đã có Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng bà Ngân cho biết các doanh nghiệp phản ánh quỹ này hoạt động không hiệu quả. Các điều kiện bảo lãnh của Quỹ còn khắt khe hơn cả điều kiện vay vốn ngân hàng; thủ tục rườm rà phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
"Hà Nội có 370.000 doanh nghiệp cũng giống như 370.000 số phận, kể ra thì không hết được khó khăn của từng doanh nghiệp. Chỉ mong chính sách của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại bao quát nhất để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn, nhanh hơn, kịp thời trong khi doanh nghiệp còn có khả năng hấp thụ mới có hiệu quả".
Tình trạng trên cũng tương tự đối với Quỹ hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Đến ngay cả Quỹ hỗ trợ vay mà còn mất chi phí cao hơn vay ngân hàng”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội nhấn mạnh tại hội nghị.
Rút ngắn thời gian thẩm định cấp tín dụng
Để củng cố năng lực, tiềm lực cho SME – lực lượng chủ lực của kinh tế tư nhân ở Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đề xuất Chính phủ cần sớm sửa Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời, tích cực cải cách hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ hỗ trợ SME.
Hiện tại, khá nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng các doanh nghiệp SME khó tiếp cận. “Gói hỗ trợ lãi suất 2%, các doanh nghiệp kiến nghị nên đưa trực tiếp vào doanh nghiệp chứ không cần giải ngân qua ngân hàng. Hiện nay, các điều kiện, thủ tục nhận hỗ trợ quá khắt khe khiến doanh nghiệp lo lắng bị truy thu sau khi thanh, kiểm tra, do đó, gói hỗ trợ lãi suất này bị ế”, bà Ngân cho biết.
Theo các doanh nghiệp, việc Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành và quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí, qua đó giảm lãi suất cho vay thể hiện tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp trong giaiđoạn khó khăn. Song, với doanh nghiệp, vốn rẻ là một phần, nhưng quan trọng hơn là phải đúng lúc.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội, đề nghị các ngân hàng xem xét cắt giảm thủ tục hành chính để các doanh nghiệp tiếp cận vốn với thời gian ngắn hơn.
"Việc tiếp cận vay vốn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay còn khó, thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài. Việc kiểm soát rủi ro càng được đề cao thì thời gian xem xét phê duyệt khoản vay càng dài. Với một khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt từ 1 - 3 tháng, khoản vay trung và dài hạn trung bình duyệt trong vòng 3 tháng, thậm chí có những khoản vay lên đến 6 tháng", ông Sơn nêu thực trạng.
Để rút ngắn thời gian ông Sơn đề xuất giải pháp áp dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt, gắn KPI bao gồm thời gian phê duyệt của từng bộ phận chuyên môn, đạt mục tiêu trong vòng 1 tháng với tất cả các khoản vay.
Ngoài thời gian phê duyệt tín dụng kéo dài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội cũng than thở phí phạt trả nợ trước hạn đối với các khoản nợ trung dài hạn của ngân hàng hiện nay quá cao, từ 1% đến 5% khoản vay. Vì vậy, ông Sơn đề xuất Ngân hàng Nhà nước quy định phí phạt trả nợ trước hạn chỉ 1%. Đồng thời, trong điều kiện doanh nghiệp gồng mình trước những khó khăn sau đại dịch, ông Sơn cũng đề xuất ngân hàng tạo điều kiện để giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo đối với các doanh nghiệp...