Liên tục hủy tour
Ngày 25-2, Tổng cục Du lịch ban hành Công văn 75/TCDL-LH về việc đẩy mạnh phòng chống dịch Covid-19, đề nghị các sở du lịch, DN thực hiện việc theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra tại Hàn Quốc và một số thị trường gửi khách du lịch đến Việt Nam.
Công văn khuyến cáo các DN lữ hành quốc tế tạm dừng tổ chức đưa khách du lịch tới thành phố Deagu, tỉnh Gyeongsangbuk-do và những khu vực có dịch, khu vực hạn chế đi lại theo công bố của chính quyền sở tại, đồng thời không đón khách du lịch từ khu vực có dịch vào Việt Nam…
Thực tế, đến thời điểm này cả chiều khách đến và đi du lịch đều giảm mạnh do Covid-19 đang bùng phát ở nhiều quốc gia. Nhiều DN lữ hành đã thông báo hủy tour trong tháng 3, thậm chí kéo dài sang tháng 4 để đảm bảo an toàn cho du khách.
TST tourist cho biết đã dừng toàn bộ các tour đi Hàn Quốc có lịch khởi hành trong tháng 3 và tháng 4. Với thị trường Nhật Bản, vẫn giữ chỗ cho tour Anh đào vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Tuy nhiên công ty lên phương án dự phòng với hàng không và đối tác, nếu có tình huống khẩn cấp sẽ hủy tour. Với thị trường châu Âu không tổ chức tour theo hành trình Mono Italia.
Tương tự Saigon tourist đã hủy toàn bộ tour đi Hàn Quốc trong tháng 3. Những DN khác đều dời tour đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và những vùng có dịch sang thời điểm an toàn hơn.
Ở chiều ngược lại, sau khách Trung Quốc, khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm phần đông du khách đến Việt Nam những năm gần đây. Trong năm 2019, Việt Nam đã đón 4,3 triệu lượt khách Hàn Quốc, đứng thứ 2 sau Trung Quốc.
Vì thế, khi giảm mạnh lượng khách từ thị trường này những thiệt hại cho ngành du lịch thật khó đong đếm hết. Không chỉ khách ở khu vực Đông Bắc Á giảm mạnh, khi dịch lan sang châu Âu, Mỹ, Iran… khách từ nhiều thị trường cũng giảm.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ước tính lượng khách đến Việt Nam trong tháng 2 và tháng 3 giảm khoảng 60%, trong khi khách nội địa giảm đến 80%.
Theo tính toán sơ bộ của Sở Du lịch TPHCM, TP du lịch lớn nhất cả nước, mức độ thiệt hại của các DN trong tháng 2 và hết quý I là sụt giảm khoảng 60% doanh thu, hàng loạt công ty phải thực hiện chính sách cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương đối với nhân viên. Các DN thuộc các lĩnh vực liên quan như nhà hàng, khách sạn cũng chịu ảnh hưởng nặng khi khách du lịch sụt giảm.
Kích cầu khách nội địa
Kích cầu khách nội địa
Mức độ lây lan nhanh của dịch như hiện nay đang đặt ngành du lịch vào tình thế chưa biết khi nào dịch suy giảm và hết, để có thể tung ra những sản phẩm phù hợp nhằm kích cầu có hiệu quả. Ông Phan Đình Huê, GĐ Công ty Du lịch Vòng tròn Việt |
Ngày 21-2, Hiệp hội Du lịch Việt Nam công bố liên minh kích cầu du lịch Việt Nam nhằm khắc phục hậu quả dịch Covid -19. Nhiều địa phương, DN từ hàng không, lữ hành, nhà hàng, khách sạn đã cùng tham gia liên minh này. Các đơn vị tham gia cam kết giảm giá tối thiểu 20% và tối đa lên tới 80%.
Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch, trong giai đoạn còn dịch, liên minh tập trung triển khai 2 nhiệm vụ chính là bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, lao động chủ chốt của DN và xây dựng sản phẩm du lịch mới. Trong giai đoạn dịch suy giảm, triển khai khôi phục du lịch ở các vùng an toàn. Khi hết dịch, khởi động toàn bộ hệ thống, tạo ra sự đột phá trong phát triển du lịch.
Cũng trong ngày 21-2, TPHCM công bố chương trình kích cầu du lịch Việt Nam, triển khai kích cầu du lịch TP. Hiệp hội Du lịch TPHCM nhận đăng ký của các DN du lịch với mức giá cam kết giảm 25-50%, hàng không giảm 50%, đường bộ và đường sắt giảm 40%. Với sự tham gia của nhiều DN, những tour đường bộ do nhóm khuyến mại kích cầu, Hiệp hội Du lịch TP thiết kế giảm 15-18% so với cùng kỳ.
Các DN cũng đã có những tour kích cầu sẵn sàng chào bán ngay trong và sau khi hết dịch bệnh, các điểm đến ưu tiên để xây dựng chương trình tour, với tiêu chí vùng an toàn, giá kích cầu hấp dẫn, sự đồng hành tích cực của địa phương như Bình Định, Phú Yên, khu vực ĐBSCL, Tây nguyên...
Nhiều hãng lữ hành lớn như Saigon tourist, Vietravel dịp này cũng đưa ra nhiều chương trình giảm giá cực khủng. Như Vietravel tung ra bộ sản phẩm “phá băng” với mức giảm giá tới 40%, tour du lịch trong nước có mức giá từ 299.000 đồng, tour nước ngoài có giá từ 2,9 triệu đồng. Hầu hết DN đều cho rằng trong bối cảnh dịch hiện nay, kích cầu trong hay sau dịch cũng nhằm hướng đến khách nội địa là chính.
Khách quốc tế kể cả hết dịch cũng cần có thời gian để lên kế hoạch, không thể đi ngay. Đó là chưa kể chúng ta sẽ bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt với các quốc gia trong khu vực trong việc kéo khách sau dịch, mà một trong những đối thủ đáng gờm là Thái Lan.
Những năm gần đây, khách nội địa đi du lịch đã tăng trưởng mạnh. Năm 2019 khách nội địa đạt 85 triệu lượt, chi tiêu cũng tăng nhanh qua từng năm. Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt, cho rằng khách Việt lúc này chính là cứu cánh cho du lịch. Các chương trình giảm giá sẽ tác động sớm đến khách trong nước. Song ông Huê cũng lưu ý trong bối cảnh lo ngại dịch nên tổ chức những nhóm nhỏ, ngắn ngày và đến những địa phương, khu vực chưa bị ảnh hưởng bởi dịch.
Tuy nhiên, việc kích cầu ngay trong dịch cũng khó thu hút khách vì những cảnh báo hạn chế nơi đông người. Ngay cả các hãng hàng không dịp này cũng liên tục tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nhưng cũng không thể kéo khách đến nhiều đường bay. Thêm nữa, mức giảm giá lên tới 40-50% của nhiều hãng lữ hành cũng khiến không ít người đặt câu hỏi về chất lượng.