Ông Nguyễn Chánh Duy, Giám đốc Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, cho biết: Khi xuất hiện làn sóng lây lan thứ 3 ở thời điểm trước Tết Nguyên đán, mục tiêu hàng đầu của tôi là thực hiện xét nghiệm Covid cho tất cả cán bộ nhân viên nhanh nhất có thể.
Những ngày gần đây, khi lượng khách di chuyển ổn định trở lại tôi vẫn quán triệt với mọi người phải đảm bảo tối đa, tránh những sai sót nhỏ nhất trong việc phòng dịch cho chính bản thân và hướng dẫn hành khách tuân thủ, như nhắc nhở đeo khẩu trang, khai báo y tế trước khi lên máy bay. Phòng thủ phải thận trọng nhưng giữ được sự thận trọng trong thời gian dài là thách thức lớn.
Ông Minh Nguyễn, đại diện chủ đầu tư của Dusit Princess Moonrise Beach Resort tại Phú Quốc, nói một cách dí dỏm: “Dịch Covid-19 dạy chúng tôi phải vừa điềm tĩnh, nhưng cũng phải linh hoạt. Bởi lẽ, việc ngành du lịch đang vận hành trơn tru nhưng bất ngờ xuất hiện một vài ca lây nhiễm có thể gây ra tình trạng đóng băng và ảnh hưởng nghiêm trọng, nên phải có kế hoạch thích ứng trong mọi tình huống”.
Có thể nói từ cuối năm 2020, nhất là sau làn sóng lây nhiễm dịch diễn ra tại Đà Nẵng, những đơn vị, cá nhân đang kinh doanh hay đầu tư trong ngành du lịch đã thủ thế, dần tối ưu hóa các kế hoạch ứng phó với dịch Covid-19 theo các kịch bản: Nếu công suất phòng trên 30% vận hành thế nào? Sống sót ra sao nếu công suất phòng chỉ 10-20%, và trong trường hợp giãn cách xã hội phải làm gì?
Điều chắc chắn, dù đóng cửa, khách sạn hay resort vẫn phải tốn kém chi phí bảo dưỡng, thậm chí còn tốn hơn khi có khách. Theo đó, nếu công suất của dịch vụ lưu trú đạt từ 90%, chi phí bảo dưỡng các thiết bị như điều hòa, tivi, tủ lạnh, máy nước nóng gần như bằng 0 vì có khách hàng sử dụng liên tục. Nhưng nếu không có khách ở sẽ phải tốn chi phí bảo dưỡng các thiết bị này để chống hỏng hóc, mốc meo…
Điều này cũng đồng nghĩa càng có nhiều khách, chi phí bảo dưỡng càng giảm, sẽ góp phần gia tăng thêm nguồn thu. Còn nếu khách giảm, không những không có nguồn thu lại còn phải chi thêm tiền cho hoạt động bảo dưỡng.
Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: Để kích cầu và duy trì hoạt động du lịch nội địa, nhất thiết các địa phương phải tạo ra được những sự kiện văn hóa có lợi thế cạnh tranh đặc biệt và phù hợp.
Trong giai đoạn hiện nay mức độ nhộn nhịp sẽ không thể so với trước năm 2020, khi du khách sẽ có xu hướng chậm rãi và trải nghiệm nhiều hơn. Như vậy các sự kiện văn hóa sẽ phải được chuẩn bị theo hướng tạo nên sự gần gũi với du khách từ khắp nơi, thay vì chỉ đứng xem, chụp vài tấm hình rồi di chuyển vì quá đông người, du khách có thể hòa mình vào các sự kiện văn hóa để trải nghiệm.
Những năm qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã liên tục tổ chức các chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng vào thứ bảy của tuần thứ 2 và thứ 4 mỗi tháng, nhằm phục vụ người địa phương cũng như du khách. Đây có thể xem là hoạt động văn hóa đặc sắc có tính đặc thù.
Chương trình biểu diễn được thực hiện tại khuôn viên rộng rãi của Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk ngay “ngã 6” của TP Buôn Ma Thuột, đã thu hút không chỉ du khách mà rất nhiều cư dân địa phương đến thưởng thức. Chương trình diễn ra khá ngắn gọn, các tác phẩm được chơi với tiêu chí đảm bảo âm sắc Tây nguyên nhưng cũng hiện đại và gần gũi. Đó là cuối chương trình khán giả có thể hòa cùng các nghệ sỹ trong các điệu nhảy, múa của Tây nguyên.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Kinh phí của chương trình được thực hiện từ ngân sách và xã hội hóa. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hơn nữa nhờ vào nguồn xã hội hóa ngày một gia tăng. Ngoài ra, tiếng vang của chương trình cũng được khẳng định khi nhiều nơi đã mời đoàn Đắk Lắk đến biểu diễn”.
Theo ông Lê Văn Hoa, chính giai đoạn sống chậm đã giúp ích đáng kể để có thể tái định vị lại các sự kiện văn hóa theo hướng chất lượng, gia tăng trải nghiệm cho khán giả và du khách.