Giữ vai trò đặc biệt trong nền kinh tế, ngành mía đường luôn được Thái Lan bảo hộ triệt để. Hàng năm, Chính phủ Thái Lan chi 2-3 triệu USD nghiên cứu giống mía mới; 775 triệu USD trợ giá khi giá đường thế giới sụt giảm; 500-550 triệu USD thanh toán trực tiếp cho nông dân. Ngoài ra, doanh nghiệp và nông dân Thái Lan cũng được hưởng lợi từ hệ thống chia sẻ lợi nhuận 70:30; các khoản vay lãi suất thấp; các khoản trợ cấp đầu vào và chính sách miễn thuế nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu…
Có lợi cho ngành sản xuất nội địa nhưng chính sách bảo trợ của Thái Lan được cho là đã đặt ngành mía đường của nhiều nước vào thế khó. Tại Brazil, diện tích trồng mía niên vụ 2020/2021 đã giảm thấp nhất kể từ năm 2016. Trong khi đó lũy kế đến ngày 15-2 niên vụ 2019/2020, sản lượng đường thô Ấn Độ giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở Việt Nam, tình hình cũng tương tự khi đường nhập khẩu từ Thái Lan có dấu hiệu bán phá giá. Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình của đường thô và đường tinh luyện từ Thái Lan sang Việt Nam là 334 USD/tấn, thấp hơn giá bán và chi phí mía sản xuất đường tại Thái Lan lần lượt 755USD/tấn và 410USD/tấn.
Để tăng sức cạnh tranh, mỗi năm, Chính phủ Brazil trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp 2,5 tỷ USD cho ngành mía đường trong nước. Chính phủ Ấn Độ cũng công khai trợ giá khoảng 3.000 đồng/kg đường xuất khẩu.
Tại Việt Nam, các biện pháp PVTM cũng đang được đề xuất thảo luận, nếu được triển khai theo cam kết quốc tế, nông dân có thể bán được mía với giá tương đồng các nước tham gia ATIGA. Doanh nghiệp sẽ đảm bảo thu mua mía nguyên liệu và không bị ép bán lỗ đường trong kho. Với những phương án trên, tin rằng ngành mía đường thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ sớm tái lập môi trường cạnh tranh công bằng, hướng đến phát triển bền vững.