Ngành ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số

(ĐTTCO) - Diễn đàn cấp cao về chuyển đổi số ngân hàng với chủ đề “Ngành Ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” diễn ra trong hai ngày 11 và 12-10 tại Hà Nội. 
Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC (IEC Group) là đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) gắn với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số đã trở thành động lực chính dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế thế giới và mỗi quốc gia.
Chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn kết chặt chẽ với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Điều này đã thể hiện rất rõ tại Nghị quyết số 52- NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.
Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc CMCN 4.0 cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế, trong đó có ngành ngân hàng.
Ngành ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số ảnh 1 Diễn đàn cấp cao về chuyển đổi số ngân hàng với chủ đề “Ngành Ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” diễn ra trong hai ngày 11 và 12-10 tại Hà Nội.
Ông Trần Tuấn Anh đánh giá, thời gian qua, lãnh đạo NHNN và toàn ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho biết, xác định rõ nhiệm vụ và trọng trách của mình, thời gian qua NHNN đã luôn bám sát các chủ trương, định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... để chỉ đạo trên toàn ngành chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động nắm bắt cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 gắn với việc xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành cũng như tại từng tổ chức tín dụng.
Theo Phó Thống đốc NHNN, các kết quả đạt được thể hiện qua một số số liệu thực tế như nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm. 
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số các công nghệ phổ biến của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn… đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số, mang lại cho người dân các dịch vụ ưu việt với chi phí hợp lý. Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%...
Tuy nhiên, dù đã có những kết quả bước đầu khả quan nhưng theo chia sẻ của đại diện cơ quan quản lý, giới chuyên môn, các ngân hàng.... trong quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức.
Đó là sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và xu hướng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đến từ khắp nơi trên thế giới, từ đó đặt ra cho ngành ngân hàng phải chuyển đổi số một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình cụ thể.
 Hoàn thiện khung khổ pháp lý về số hóa cho ngân hàng
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết, Luật Giao dịch điện tử có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng. Do đó, để tham gia góp ý vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) Hiệp hội Ngân hàng đã yêu cầu các tổ chức hội viên rà soát lại các vướng mắc có liên quan trong thực tế. Sau khi rà soát, Hiệp hội đã tập hợp được 25 ý kiến để kiến nghị tới Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong buổi làm việc của Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (cuối tháng 8-2022), để phục vụ thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận 17 ý kiến, 8 ý kiến còn lại Bộ sẽ xem xét.
Theo ông Hùng, chữ ký điện tử có vai trò hết sức quan trọng trong các giao dịch điện tử, do đó, đề nghị cần sửa đổi một số điểm trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để phù hợp với thực tiễn như: (i) về định nghĩa chữ ký điện tử cho khác với định nghĩa tại Luật Giao dịch điện tử 2005, để mọi người dân có thể hiểu được, (ii) giá trị pháp lý của chữ ký điện tử cần được quy định rõ ràng, (iii) sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng và (iv) công nhận và sử dụng chữ ký điện tử.

Các tin khác