Sản xuất thép tại Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam. Ảnh: CAO THĂNG
Đặt mục tiêu tăng trưởng 5%-6%
Tập đoàn Hòa Phát cho biết, vừa xuất một lô hàng hơn 12.000 tấn, chủ yếu là các sản phẩm tôn mạ lạnh sang châu Mỹ. Trước đó, trong tháng 1-2021, Hòa Phát đã xuất khoảng 10.000 tấn tôn mạ kẽm đi châu Âu cho các đối tác đến từ Bỉ và Tây Ban Nha. Hoạt động xuất khẩu của Hòa Phát bắt đầu được đẩy mạnh từ tháng 8-2020. Từ đó đến nay, Hòa Phát liên tục nhận được nhiều đơn hàng của các đối tác thương mại cho xuất khẩu thép lá mạ ra nhiều thị trường lớn trên thế giới. Từ năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu sản xuất 300.000-400.000 tấn sản phẩm/năm, trong đó duy trì tỷ trọng xuất khẩu 30%-40%.
Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen mở hàng năm mới bằng nhiều lô hàng tôn mạ có giá trị lớn xuất khẩu đi Mỹ, Mexico, châu Âu, Đông Nam Á… từ các cụm cảng Phú Mỹ, Quy Nhơn, Nghi Sơn. Đây là tín hiệu vui trong những ngày đầu năm 2021, hứa hẹn một năm mới đầy khởi sắc cho Tập đoàn Hoa Sen và cả ngành tôn thép Việt Nam. Xuất khẩu là một trong hai kênh bán hàng chủ lực đóng góp lớn vào lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen. Nguồn doanh thu USD từ hoạt động xuất khẩu giúp Hoa Sen có nguồn ngoại tệ đối ứng để vay USD với lãi suất thấp hơn lãi suất VNĐ, để thanh toán cho các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu. Sản lượng xuất khẩu của tập đoàn này hiện đã vượt mốc 100.000 tấn sản phẩm/tháng.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Trịnh Khôi Nguyên, với kết quả tích cực trong sản xuất kinh doanh năm 2020, ngành thép đặt kế hoạch tăng trưởng năm 2021 khoảng 5%-6%. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước (mục tiêu 6%).
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng nhận định: “Với tình hình dịch hiện nay, các DN trong ngành sẽ phải phấn đấu rất nhiều”. Cũng theo VSA, động lực thúc đẩy tăng trưởng của ngành thép trong năm 2021 chủ yếu là nhờ vào hoạt động đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng tiếp tục được đẩy mạnh. Ngoài ra, nhu cầu thép còn có thể tiếp tục tăng bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI đã và đang đổ vào Việt Nam.
Về xuất khẩu, nhu cầu của thế giới dự kiến tăng 4,1% trong năm 2021, do có sự phục hồi ở các thị trường phát triển. Để nắm bắt được các cơ hội, VSA khuyến nghị DN thép cần chuẩn bị tốt hơn nữa để nâng cao sức cạnh tranh, vươn xa và khai thác hiệu quả các thị trường. Bên cạnh đó, DN thép Việt cũng cần đẩy mạnh liên kết để bảo đảm minh bạch xuất xứ hàng hóa, từ đó đưa sản phẩm tiến sâu hơn vào những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng và yêu cầu tiêu chuẩn cao, như EU, Mỹ, Nhật…
Cần nắm rõ “luật chơi” quốc tế
Mặc dù có nhiều thuận lợi ngay trong những tháng đầu năm 2021, nhưng các mặt hàng thép trong nước đã liên tiếp vướng vào ma trận phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu, với mức thuế bị áp khá cao. Đơn cử, giữa trung tuần tháng 2-2021, Ủy ban chống bán phá giá Indonesia (KADI) công bố kết luận điều tra cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với tôn lạnh có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc. Sản phẩm bị điều tra là thép mạ hợp kim nhôm kẽm (hay còn gọi là tôn lạnh). KADI cho rằng, tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc đã bán phá giá, gây ra thiệt hại đáng kể cho các ngành sản xuất tôn lạnh nội địa của Indonesia.
Do vậy, cơ quan này quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá ở mức 3,01%-49,2% đối với Việt Nam. Quyết định áp thuế chống bán phá giá với tôn lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Indonesia sẽ có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày 17-2-2021. Trước đó, khi Malaysia kết luận điều tra vụ chống bán phá giá thép mạ nhôm kẽm, chỉ 1 doanh nghiệp Việt thoát thuế. Thép cán nguội không gỉ Việt Nam tạm chịu thuế chống bán phá giá tại Malaysia lên đến 34,82%. Hay Hoa Kỳ có kết luận sơ bộ vụ chống bán phá giá ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam. Canada tạm áp thuế chống bán phá giá 3,7% đến 15,4% với thép cốt bê tông Việt Nam…
Trước diễn biến này, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) liên tục phát đi thông báo khuyến cáo DN ngành thép cần đẩy mạnh các chiến lược đa dạng hóa thị trường, tránh xuất khẩu tập trung nhiều vào một thị trường. Bởi, khi kim ngạch xuất khẩu có sự gia tăng đột biến, các DN thép sẽ rơi vào tầm ngắm khởi kiện của nước nhập khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), bên cạnh việc tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, các DN trong ngành cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng kiến thức về thương mại quốc tế để chủ động ứng phó với nguy cơ kiện cáo tại các thị trường xuất khẩu. DN buộc phải trang bị và cập nhật đầy đủ kiến thức về pháp luật phòng vệ thương mại, thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo và khi bị kiện cần tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để giải quyết. Về phía các bộ ngành, cần thực hiện hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm, cũng như sử dụng công cụ phòng vệ thương mại một cách sắc bén, để bảo vệ thị phần thép trong nước tại thị trường nội địa. |