Ngày Quốc tế Lao động đặc biệt

(ĐTTCO)-Hàng triệu người lao động trên thế giới có truyền thống xuống đường tuần hành hưởng ứng Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Tuy nhiên, với việc một nửa dân số trên thế giới chịu tác động từ lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19, ngày lễ này năm nay diễn ra theo cách đặc biệt chưa từng có.
Ngày Quốc tế Lao động đặc biệt

Thông điệp ý nghĩa

 Với các cuộc tuần hành bị hủy bỏ ở nhiều quốc gia vì Covid-19, các công đoàn đã khởi xướng ý tưởng thay thế, kêu gọi người lao động ở nhà và treo các biểu ngữ ngoài ban công hoặc truyền tải những thông điệp ý nghĩa trên mạng xã hội.

Tổng Liên đoàn Lao động Anh (TUC) quyết định tạm hoãn các sự kiện đã lên kế hoạch, song nhấn mạnh “điều quan trọng hơn bao giờ hết đó là ghi nhận sự đóng góp của người lao động”, đặc biệt khi các công nhân viên trong Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) đang ngày đêm mạo hiểm mạng sống của họ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. TUC hối thúc người dân đăng tải “một đoạn video ngắn trên mạng xã hội cảm ơn người lao động đã tạo nên sự khác biệt cho bạn” kèm từ khóa #mayday và #ThankAWorker.

Trong khi các công đoàn tại Mỹ và Canada dự kiến tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động vào tháng 9 tới, thì kỳ nghỉ lễ này được tổ chức vào nhiều ngày khác nhau tại Australia, New Zealand và châu Âu. Nhiều nhà hoạt động châu Á đã phải chuyển hướng sang các hoạt động trực tuyến do hàng loạt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Tại Pháp, nơi nhiều cuộc tuần hành quy mô lớn thường được tổ chức ở hầu hết các thành phố lớn, các tổ chức công đoàn vẫn tích cực kêu gọi thực hiện phong trào treo các biểu ngữ tại nhà hay đăng tải trên mạng xã hội. Tại Nga, cuộc tuần hành quy mô lớn do các tổ chức công đoàn phối hợp với Điện Kremlin dự kiến tiến hành đã bị hủy bỏ do đại dịch Covid-19. 

 Nỗi lo thất nghiệp           

Ngay trước thềm Ngày Quốc tế Lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 29-4 cho biết, gần một nửa số công nhân trên thế giới có nguy cơ mất việc ngay lập tức. Tuyên bố này gióng lên hồi chuông cảnh báo với mọi nền kinh tế ở tất cả các quốc gia trên hành tinh do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. ILO cho biết, khoảng 1,6 tỷ lao động - gần một nửa lực lượng lao động toàn cầu và những người ở giai đoạn dễ bị tổn thương nhất của thang việc làm - có nguy cơ mất sinh kế.

"Đối với hàng triệu công nhân, không có thu nhập có nghĩa là không có thực phẩm, không có an ninh và không có tương lai. Hàng triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới gần như không hoạt động”, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder nói.

Theo ông, những người lao động này không có tiền tiết kiệm hoặc tiếp cận tín dụng, nên nếu không nhận được sự giúp đỡ từ bây giờ, họ sẽ bị diệt vong.

Theo ILO, hơn một nửa trong tổng số 1,6 tỷ lao động có nguy cơ mất sinh kế thuộc nền kinh tế “phi chính thức”, tức bao gồm các công việc không bị đánh thuế hay không do chính phủ giám sát, các dạng lao động này chiếm một tỷ lệ rất lớn trong các nền kinh tế đang phát triển. Đặc biệt, đối với công nhân ở các nước nghèo, những người lao động tay chân như kéo xe, hái trà hoặc may quần áo… thuộc dạng dễ bị tổn thương nhất.

Cũng theo ILO, cần thêm nhiều hành động thiết thực với các nước đang phát triển vào năm 2020, ví dụ như hủy nợ. Điều này có thể giúp cho các quốc gia nghèo có được thêm các nguồn lực cần để giải quyết những hậu quả kinh tế và xã hội từ đại dịch này.

Như việc hủy các khoản thanh toán nợ nước ngoài của Ghana vào năm 2020 sẽ cho phép chính phủ cấp khoản tiền mặt 20 USD mỗi tháng cho 16 triệu trẻ em, người khuyết tật và người già của nước này trong thời gian 6 tháng. Số tiền trên không nhiều, nhưng có thể giúp ngăn chặn nhiều trẻ em chết đói.

Các tin khác