Trong phiên giao dịch sáng cùng ngày tại thị trường châu Á, đồng NDT đã được giao dịch ở mức 7,14 NDT đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2008. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm thêm 150 tỷ NDT (21,25 tỷ USD) cho các thể chế tài chính của nước này thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang bị suy giảm do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Cùng ngày, giá vàng châu Á đã vọt lên mức cao nhất trong hơn 6 năm qua. Có lúc giá vàng đã chạm mốc 1.554,56 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 4-2013. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 1,1% lên 1.554,90 USD/ounce. Đồng yen đã tăng giá mạnh so với đồng USD và cũng tăng giá với đồng EUR. Giới phân tích cho rằng, cùng với vàng, đồng yen Nhật Bản vẫn được coi là một trong những tài sản an toàn và các nhà đầu tư thường đẩy mạnh mua vào đồng tiền này mỗi khi xuất hiện các dấu hiệu bất ổn trong thị trường tài chính toàn cầu.
Tại Việt Nam, giá vàng SJC trong nước ngày 26-8 vượt 43 triệu đồng/lượng - mức cao nhất của giá vàng sau 7 năm, kể từ tháng 8-2012. Ghi nhận lúc 16 giờ tại TPHCM, giá vàng SJC được Công ty SJC niêm yết ở mức 42,35 triệu đồng/lượng mua vào và 42,75 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 350.000 đồng chiều mua và 400.000 đồng chiều bán so với cuối tuần trước. Cùng thời điểm tại Hà Nội, Tập đoàn Doji giao dịch giá vàng SJC ở mức 42,27 triệu đồng/lượng mua vào và 43,17 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 300.000 đồng chiều mua và 600.000 đồng chiều bán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch đầu tuần 26-8 diễn ra khá tiêu cực do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng mạnh bởi những diễn biến xấu của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Ngay khi mở phiên, VN-Index đã mất liền 10 điểm, toàn thị trường bao trùm bởi màu đỏ rực do lực bán tăng mạnh.
Có thời điểm, VN-Index mất gần 15 điểm nhưng sau đó VN-Index hồi phục nhẹ. Đáng lưu ý, tâm điểm của phiên giao dịch này là cổ phiếu (CP) ngành ngân hàng, trong đó CP Ngân hàng Quân đội (MBB) giao dịch đột biến, lên đến 14,7 triệu CP nên chốt phiên, MBB tăng gần 3%. Ngoài MBB, các CP ngành ngân hàng như BID, VPB… cũng giao dịch khá tích cực giúp kìm hãm đà giảm của các chỉ số.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm giảm 9,57 điểm (0,96%) xuống 982,88 điểm với 101 mã tăng, 206 mã giảm và 61 mã đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 0,44 điểm (0,43%) xuống 102,81 điểm với 61 mã tăng, 82 mã giảm và 45 mã đứng giá. Thanh khoản thị trường có cải thiện nhưng vẫn duy trì ở mức khá thấp. Tổng khối lượng giao dịch trên hai sàn niêm yết đạt 216 triệu CP, trị giá 4.800 tỷ đồng.