Nghệ thuật Việt chuộng tên Tây?

Đài truyền hình Việt Nam vừa tổ chức trao giải cho những cá nhân và những chương trình tạo được ấn tượng trên màn ảnh nhỏ. Quy mô và mức độ long trọng không phải bàn, chỉ có điều khiến công chúng băn khoăn tại sao lại là VTV Awards 2015?

Đài truyền hình Việt Nam vừa tổ chức trao giải cho những cá nhân và những chương trình tạo được ấn tượng trên màn ảnh nhỏ. Quy mô và mức độ long trọng không phải bàn, chỉ có điều khiến công chúng băn khoăn tại sao lại là VTV Awards 2015?

Dường như các loại giải thưởng mang tính chuyên môn luôn bị ám ảnh bởi thị phi, vì vậy cách an toàn nhất là lôi kéo người xem vào cuộc định vị nghệ sĩ. Nhân danh đám đông không ai phải chịu trách nhiệm trước mọi phán xét hay dở. Quần chúng lúc nào cũng đúng, dù không chí lý thì cũng chí tình. Thế nhưng, cơn hưng phấn bình chọn lại khiến các giải thưởng dẫm chân lên nhau. Nếu Đài truyền hình TPHCM có giải thưởng HTV Awards tồn tại nhiều năm nay, Đài truyền hình Việt Nam không nên có thêm VTV Awards. Muốn cạnh tranh cần có cái tên khác. Ai cũng tự hào ngôn ngữ Việt phong phú, việc gì phải chen nhau lấy cái tên giải thưởng có vẻ sính ngoại? Cấp thành phố đã lỡ Awards thì cấp quốc gia việc gì cũng Awards nữa. Nếu định gây ảnh hưởng tầm quốc tế, đẳng cấp hội nhập không chỉ nằm ở nhãn mác bao bì, mà còn trông cậy vào chất lượng sản phẩm.

Đừng nghĩ cái tên chỉ là cái tên. Hầu hết chương trình tương tác khi được mua bản quyền phát sóng tại nước ta đều phải dùng tên Việt. Thí dụ, “So You Think You Can Dance” trở thành “Thử thách cùng bước nhảy”, “The Voice” trở thành “Giọng hát Việt” hoặc “X-Factor” thành “Nhân tố bí ẩn”. Vậy nguyên nhân nào khiến chương trình của Đài truyền hình Việt Nam lại có cái tên bằng tiếng Anh VTV Awards 2015? Nếu đặt tên Giải thưởng VTV 2015 liệu có làm sút giảm giá trị của chương trình ấy không?

Trước đây Cục Nghệ thuật biểu diễn từng yêu cầu các nghệ sĩ phải dùng tên thuần Việt khi biểu diễn trên đài truyền hình. Đó là một quyết định đúng đắn, vì không thể nào chấp nhận những nghệ danh nửa ta nửa Tây như Nathan Le, Wanbi Tuấn Anh hoặc Noo Phước Thịnh… Đáng tiếc văn bản đã ra nhưng không ai giám sát, khiến bây giờ mọi chuyện lại bát nháo như cũ.

Có phải hội nhập phải cần một cái tên giông giống Tây chăng? E rằng suy nghĩ ấy hơi nông nổi và vội vàng. Nếu nhân vật hay chương trình nào nổi tiếng toàn cầu đến lúc đó đổi tên cũng chưa muộn.

Các tin khác