Nghị quyết 98 là bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của TPHCM

(ĐTTCO) - Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM Nguyễn Tấn Phát cho rằng, để thực hiện Nghị quyết 98 đạt hiệu quả, TPHCM cần có sự thay đổi lớn về thể chế và phải ban hành kế hoạch và phương thức hành động phù hợp.

Chiều 10-7, HĐND TPHCM tiếp tục tổ chức phiên thảo luận. Trong buổi thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, đưa ra ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 98. ĐB cho rằng Nghị quyết 98 là bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của TPHCM.

ĐB Nguyễn Tấn Phát. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Nguyễn Tấn Phát. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB nhận thấy rằng nghị quyết này mang đến nhiều cơ chế và chính sách đột phá, góp phần giúp thành phố vượt qua khó khăn và tạo động lực cho sự phát triển. Nghị quyết 98 có phạm vi rộng hơn và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn so với Nghị quyết 54. Điều này đặt ra sự kỳ vọng lớn từ phía người dân và tạo áp lực cho đội ngũ cán bộ của TPHCM.

Vì vậy, theo ĐB, để thực hiện nghị quyết này, cần có sự thay đổi lớn về thể chế và phải ban hành kế hoạch, phương thức hành động phù hợp, bao gồm cả phương thức tham mưu tổ chức thực hiện.

ĐB Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngoài ra, ĐB Hoàng Thị Tố Nga, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1, đề xuất, HĐND TPHCM tổ chức giám sát chặt chẽ việc triển khai Nghị quyết 98 ngay từ đầu để đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, thành lập một tổ công tác để phân công công việc cho các sở ngành và đơn vị một cách cụ thể và rõ ràng, nhằm tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và đảm bảo sự phối hợp, đồng bộ, có trách nhiệm. Bên cạnh đó, TPHCM cần tăng cường chính sách thu hút nhân tài và phải tìm hiểu vì sao thành phố chưa thu hút được nhiều nhân tài như các địa phương khác.

Liên quan đến các dự án trong lĩnh vực giáo dục, ĐB Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nêu ý kiến về việc áp dụng đầu tư hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giáo dục theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.

ĐB nhấn mạnh, mặc dù hình thức PPP cho phép đầu tư có thời gian khai thác dự án để thu hồi vốn, nhưng giá dịch vụ trong dự án PPP không phù hợp với thu nhập của người lao động, gây khó khăn trong việc xây dựng các phòng học cho con em học sinh của họ. Do đó, ĐB đề xuất nghiên cứu áp dụng hình thức xây dựng chuyển giao (BT) trong lĩnh vực giáo dục.

Các tin khác