Nghị quyết mới cho TPHCM phải có cơ chế 'chấp cánh' đổi mới sáng tạo

(ĐTTCO) - Phát triển kinh tế dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là chuyên gia, nhà khoa học sẽ là xu hướng tất yếu cho TPHCM.
Cần có những chính sách ưu đãi đủ mạnh mới thu hút được các nhà khoa học, chuyên gia.
Cần có những chính sách ưu đãi đủ mạnh mới thu hút được các nhà khoa học, chuyên gia.

Tuy nhiên, để làm được cần có những chính sách ưu đãi đủ mạnh. Xung quanh câu chuyện này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM.

PHÓNG VIÊN: - Trong dự thảo Nghị quyết mới cho TPHCM có đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong 5 năm với lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học… làm việc trong tổ chức khoa học công nghệ (KHCN), trung tâm đồi mới sáng tạo (ĐMST), khu công nghệ cao (CNC)… Theo ông, đề xuất này sẽ tác động như thế nào đến việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho TPHCM?

TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG: - Trước hết, cần nói rõ không phải tất cả các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn TPHCM đều nằm trong đề xuất giảm thuế này. Trong dự thảo nghị quyết, HĐND TP quyết định tiêu chí, điều kiện, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và cá nhân khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, HĐND TP quy định tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức KHCN công lập, xác định trên cơ sở trình độ, năng lực và yêu cầu công việc.

Những đề xuất này xuất phát từ thực tế các hoạt động nghiên cứu khoa học, ĐMST khu vực công hiện chưa thu hút được các nguồn lực của xã hội, nhất là nguồn nhân lực gồm các chuyên gia, nhà khoa học, do mức lương trả cho họ chỉ bằng viên chức bình thường. Nếu đề xuất trên được thông qua, khi đó thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học sẽ cao hơn so với mức quy định hiện nay.

Cộng thêm việc được miễn thuế sẽ thuận lợi hơn trong thu hút nhà khoa học vào các tổ chức KHCN công lập, cũng như thúc đẩy hơn nữa quá trình ĐMST của TPHCM.

Cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, không phải nhà khoa học, chuyên gia nào cũng muốn làm việc cho các đơn vị tư nhân. Bởi thực tế nhiều nhà khoa học, chuyên gia rất muốn cống hiến cho khu vực công. Vì vậy, nếu đề xuất được thông qua sẽ tạo điều kiện để họ được làm theo đam mê, mong muốn của mình và được trả thù lao xứng đáng.

- Dự thảo nghị quyết mới cho TP cũng đề xuất miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo với DN khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức KHCN, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp… Nếu được thông qua sẽ tác động như thế nào đến hệ sinh thái ĐMST TPHCM, thưa ông?

- Đề xuất này cũng dựa trên chính sách nhà nước đang quy định cho DN KHCN. Theo đó, khi được miễn, giảm thuế TNDN, các đơn vị sẽ giữ lại được nguồn tiền nhất định để tái đầu tư. Như chúng ta biết, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cũng như cho ĐMST rủi ro rất lớn. Bởi từ nghiên cứu khoa học để biến thành sản phẩm sáng tạo được thị trường chấp nhận, không chỉ mất vài năm mà cần thời gian rất dài.

Thực tế, trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST có đến 95% thất bại và chỉ khoảng 5% thành công, có nghĩa đầu tư rủi ro rất lớn. Và khi có chính sách sẽ hỗ trợ, tháo gỡ phần nào cũng như động viên, khích lệ các DN và tổ chức trong ĐMST.

Trong đề xuất có nội dung đáng chú ý, là ngân sách TP hỗ trợ không hoàn lại chi phí ươm tạo dự án ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án, chi phí thuê chuyên gia, tiền công lao động trực tiếp, dịch vụ hỗ trợ ĐMST và khởi nghiệp… Chính sách này sẽ hỗ trợ tốt cho các DN khởi nghiệp trong giai đoạn đầu khó khăn, giúp họ từng bước hoàn thiện sản phẩm để có thể bước vào giai đoạn tìm kiếm các quỹ đầu tư.

Thực ra, vấn đề trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST rất nhiều, các đề xuất trong dự thảo nghị quyết không thể giải quyết hết, nhưng gỡ được điểm nào, hỗ trợ được bao nhiêu đều đáng quý.

- Năm 2022, Tạp chí StartupLink - tổ chức chuyên nghiên cứu về hệ sinh thái ĐMST, xếp TPHCM hạng 111/1.000 TP toàn cầu có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mạnh. Điều gì đã giúp hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TP có được kết quả tích cực như vậy, thưa ông?

- Nhìn lại quá trình hình thành hệ sinh thái ĐMST của TPHCM có thể nói đến những mốc sau. Năm 2015, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tài trợ cho Sở KHCN thuê chuyên gia nước ngoài khảo sát, đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TPHCM. Kết quả hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST khi đó của TP mới ở mức sơ khai, các hoạt động, tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST còn rất manh mún.

Bước qua năm 2016 từ khi có Đề án 844 của Chính phủ về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, đồng thời TPHCM cũng ban hành chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ĐMST của TP, đã có nhiều chính sách như hỗ trợ huấn luyện cho các hệ sinh thái, tổ chức các sự kiện, giải thưởng, vườn ươm, các cuộc thi…

Chính vì vậy, trong những năm qua hệ sinh thái ĐMST TP từng bước phát triển, như trong các trường đại học đều có hoạt động ĐMST, khu vực tư nhân cũng hình thành các vườn ươm, hàng năm có nhiều hoạt động từ kết nối, các cuộc thi lựa chọn các dự án để ươm tạo, hỗ trợ gọi vốn từ các quỹ đầu tư…

Sự sôi động của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TPHCM còn được thể hiện rõ nét qua sự có mặt của ngày càng nhiều các quỹ đầu tư mạo hiểm. Hiện nay, cả nước có khoảng 4.000 startup, trong đó TPHCM luôn chiếm trên 50% với hơn 2.000 startup. Hàng năm các DN khởi nghiệp của TP thu hút khoảng 60% lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam. Mục tiêu trong những năm tới, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TPHCM sẽ lọt vào top 100 TP có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mạnh trên toàn cầu.

Có thể thấy với TPHCM phát triển KHCN, ĐMST sẽ là xu hướng tất yếu trong những năm tới, bởi đây cũng là xu hướng của cả thế giới, các nước đang phát triển kinh tế dựa vào ĐMST và công nghệ. Tuy nhiên, hành trình này phải xây dựng bài bản ngay từ trong giáo dục. Theo đó, ngành giáo dục phải thay đổi rất mạnh để thúc đẩy ĐMST trong đào tạo, khuyến khích những người trẻ sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận những rủi ro ĐMST mang lại.

- Xin cảm ơn ông.

Không phải nhà khoa học, chuyên gia nào cũng muốn làm việc cho các đơn vị tư nhân. Bởi thực tế nhiều nhà khoa học, chuyên gia rất muốn cống hiến cho khu vực công. Vấn đề là cần cơ chế, chính sách và các ưu đãi.

Các tin khác