Nghịch lý tiền đầy 'rổ' nhưng không thể phân bổ

(ĐTTCO) - Lĩnh vực đầu tư công hiện đang tồn tại nghịch lý đã lo được tiền nhưng lại không triển khai được.
Thiếu vốn nên Cao tốc Bến Lức - Long Thành đã treo từ nhiều năm nay.
Thiếu vốn nên Cao tốc Bến Lức - Long Thành đã treo từ nhiều năm nay.

Việc các dự án hấp thụ vốn kém đã khiến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khó đạt được mục tiêu với thời gian cụ thể như đã đề ra, ảnh hưởng đến năng lực phục hồi của nền kinh tế nói chung.

Tỷ lệ giải ngân thấp

Kết quả kiểm toán Chuyên đề công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố, cho thấy tỷ lệ giải ngân vốn cho các dự án thuộc chương trình vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ bố trí và giải ngân nguồn vốn đối ứng của địa phương, chưa phù hợp với tỷ lệ bố trí và giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương.

Cụ thể, tổng số vốn ngân sách trung ương đã được phân bổ 81.801/116.848 tỷ đồng, đạt 70%, trong khi tổng số vốn ngân sách địa phương mới bố trí 422,6/17.436 tỷ đồng, đạt 2,4%. Đặc biệt, tại một số dự án đường bộ cao tốc có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, số vốn ngân sách địa phương bố trí là 0% (tức chưa được thực hiện giải ngân vốn).

Báo cáo của KTNN chỉ rõ, dù việc giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình phải đảm bảo hoàn thành trong năm 2022, 2023, nhưng kết quả thực hiện đến thời điểm kiểm toán (30-6-2023) - sau 3/4 thời gian thực hiện Chương trình, chỉ còn khoảng 6 tháng để triển khai thực hiện, nhưng đối với các dự án thuộc chính sách đầu tư phát triển mới thực hiện giải ngân được 24.143 tỷ đồng, đạt 18,4% so với tổng số vốn đã giao.

Bên cạnh đó, còn 21 dự án chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn năm; 59 dự án có số giải ngân đến thời điểm kiểm toán 0%; chính sách cấp bù lãi suất 5.000 tỷ đồng giải ngân đạt 22,9%, chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) gói 40.000 tỷ đồng giải ngân đạt 0,7%.

Thực trạng trên khiến áp lực giải ngân số vốn còn lại của Chương trình trong 6 tháng còn lại của năm 2023 rất lớn, và việc thực hiện giải ngân toàn bộ số vốn theo cam kết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khó khả thi.

Một số dự án chưa được bố trí vốn đối ứng như dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ, Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 địa phương cam kết 3.800 tỷ đồng, nhưng chưa bố trí đồng nào. Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu địa phương cam kết 3.270 tỷ đồng nhưng cũng chưa bố trí.

Từ trung ương đến địa phương chưa khẩn trương

Nguyên nhân của tỷ lệ giải ngân vốn cho các dự án thấp, theo KTNN chủ yếu do việc đánh giá tính khả thi và mức độ sẵn sàng của dự án thấp, khả năng hấp thụ vốn không cao.

Cụ thể, sau khi kiểm toán tại Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), Bộ Tài chính và 2 dự án đầu tư xây dựng do UBND tỉnh An Giang và UBND tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, KTNN nêu rõ trong tham mưu xây dựng Chương trình, danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các dự án thuộc lĩnh vực y tế, Bộ KH-ĐT mới chỉ xác định được các địa phương, tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện, viện cấp trung ương cần đầu tư.

Do vậy, phải thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng để đề xuất lại danh mục dự án. Việc này dẫn đến quá trình rà soát, xây dựng danh mục dự án mất nhiều thời gian, làm chậm việc phân bổ vốn của Chương trình.

Đối với Bộ KH-ĐT, kết luận của KTNN nêu rõ Bộ KH-ĐT thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa đáp ứng tiến độ theo yêu cầu. Thêm vào đó, thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về phương án phân bổ số vốn còn lại để bố trí cho các dự án thuộc Chương trình cũng không bảo đảm yêu cầu trước ngày 31-3.

Việc ban hành hướng dẫn thực hiện cơ thế đặc thù về chỉ định thầu theo các Nghị quyết của Quốc hội còn chậm và chưa đáp ứng đầy đủ nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phân cấp ủy quyền cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn còn chậm; chưa tham mưu xây dựng tiêu chí để đánh giá về năng lực quản lý của địa phương như kinh nghiệm, năng lực gắn với quản lý đầu tư dự án có quy mô tương tự, trình độ quản lý, số lượng cán bộ quản lý, chuyên môn.

Đối với Bộ Tài chính, KTNN nêu rõ trong tổng mức vốn chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương giao cho Chương trình năm 2022 là 38.155,35 tỷ đồng (trong đó bổ sung cho các dự án đầu tư thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn 19.570,45 tỷ đồng, bổ sung cho các nhiệm vụ thuộc Chương trình 18.584,91 tỷ đồng), Bộ Tài chính chưa có phương án, đề xuất giải pháp để theo dõi giải ngân nguồn vốn của Chương trình, nên việc tổng hợp riêng số vốn giải ngân từ Chương trình năm 2022 cho các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn gặp khó khăn.

Báo cáo của KTNN cũng nêu rõ, đa số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ yếu đăng ký các dự án chưa có trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 (255/264 dự án), nên tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn không cao.

Một số bộ, cơ quan và địa phương chưa chủ động tích cực và kịp thời thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo yêu cầu; chậm giao vốn, chậm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, chậm triển khai thi công các dự án.

Đến 31-12-2022, chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ không đạt mục tiêu, kết quả thực hiện rất thấp so với kế hoạch đề ra. Số tiền hỗ trợ lãi suất chỉ có 134 tỷ đồng, đạt 0,8% số hạn mức hỗ trợ lãi suất đã đăng ký và được phê duyệt của kế hoạch 16.034 tỷ đồng. Đến 31-3-2023, số lũy kế hỗ trợ lãi suất chỉ đạt 332 tỷ đồng, đạt 0,83% so với gói 40.000 tỷ đồng. Năm 2022 có 15/44 ngân hàng thương mại không hỗ trợ lãi suất, 14/44 ngân hàng hỗ trợ lãi suất dưới 1 tỷ đồng.

Theo BÁO CÁO KIỂM TOÁN

Các tin khác