Tuy nhiên, tại các tỉnh Nam Trung bộ, nơi được đánh giá là một trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, nhiều ngư dân đã nhanh chóng tìm biện pháp để thích ứng. Trong đó, việc phát huy vai trò các tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển đang được coi là cách làm hiệu quả.
Giá nhiên liệu tăng nhưng nhờ chủ động thích ứng, hoạt động khai thác hải sản của ngư dân tỉnh Bình Thuận vẫn đạt hiệu quả
Kiên trì bám biển
Mặc cho giá nhiên liệu tăng cao, 3 chiếc tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt ở vùng biển xa của gia đình ông Nguyễn Gạc (ngụ TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) vẫn đều đặn vươn khơi, phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 60 lao động của địa phương. Ông Gạc cho biết, thông thường chi phí tiền dầu chiếm từ 70%-80% cho một chuyến biển. Trước đây, một tàu cá công suất 700CV của ông ra khơi chỉ tiêu tốn chi phí khoảng 100 triệu đồng cho chuyến đánh bắt gần 2 tháng, nhưng nay đã tăng lên gần 300 triệu đồng.
“Khó khăn là vậy, nhưng mình phải tìm cách để khắc phục, chứ không thể đứng nhìn lao động của mình thất nghiệp được”, ông Gạc tâm sự. Để khai thác hải sản vừa đạt hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí, ông Gạc cùng các con đều tham gia hoạt động trong tổ, đội đoàn kết trên biển để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. “Khi một trong các tàu trong tổ, đội phát hiện luồng cá thì thông báo cho các tàu khác cùng tới đánh bắt. Sau khi có sản lượng, chúng tôi không chuyển vào bờ bán như trước đây mà bán lại cho các tàu dịch vụ trong tổ, đội thu mua trên biển, rồi tiếp tục theo đàn cá. Cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa khai thác được dài ngày trên biển”, ông Gạc cho biết.
Còn chiếc tàu 700CV với khoảng 20 lao động của ngư dân Đinh Bảy, thành viên Tổ đoàn kết trên biển số 1 của phường Hưng Long (TP Phan Thiết, Bình Thuận) cũng đang hoạt động khá ổn định. “Trước khi ra khơi, tàu cá của tôi được lắp các thiết bị hàng hải như thiết bị giám sát hành trình, máy dò, máy nhắn tin… để xác định chính xác luồng cá; đồng thời bán hải sản ngay trên biển nhằm hạn chế tàu đi lại, giảm chi phí nguyên liệu. Nhờ vậy, thu nhập mỗi lao động trên tàu đều ổn định”, ông Bảy chia sẻ.
Tại tỉnh Ninh Thuận, những ngày cuối tháng 6, cảng cá Cà Ná (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam), lượng tàu thuyền cập và xuất bến vẫn diễn ra khá nhộn nhịp. Ngư dân Nguyễn Trạc (ngụ xã Cà Ná) cho biết: “Mặc dù giá nguyên liệu tăng cao, nhưng thời gian qua, ngư trường thường xuyên xuất hiện đàn cá nổi nên hoạt động đánh bắt cá ngoài khơi của ngư dân vẫn duy trì thường xuyên, không có tình trạng tàu cá nằm bờ dài ngày”.
Để giảm bớt tác động của giá nhiên liệu, ông Trạc cùng nhiều ngư dân địa phương đã chủ động ứng dụng các thiết bị hàng hải để xác định chắc chắn vùng biển khai thác, luồng cá nổi để tàu ra đánh bắt đúng vị trí ngư trường, giúp khai thác hiệu quả và tiết kiệm được rất nhiều nhiên liệu. Không chỉ vậy, nhiều ngư dân địa phương còn chủ động hợp tác khai thác trên biển theo kiểu tổ, đội đoàn kết trên biển. “Chúng tôi cứ việc ra khơi đánh bắt, khi có hải sản thì lập tức có tàu trong tổ vận chuyển vào bờ bán, các tàu còn lại vẫn ở tại chỗ đánh bắt tiếp, không để mất dấu luồng cá”, ngư dân Nguyễn Văn Khởi (xã Cà Ná) thông tin.
Phát huy tổ, đội đoàn kết
Giá xăng dầu tăng cao đúng vào dịp ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận bắt đầu bước vào khai thác chính vụ mùa cá Nam. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống ngư dân khi chi phí mỗi chuyến đi biển bị đội lên quá cao. Trước cơn “bão giá”, ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ vẫn linh hoạt thích ứng, tiết kiệm tối đa chi phí, phát huy lợi thế đội đoàn kết trên biển để mang lại hiệu quả khai thác.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh đang có 129 tổ, đội đoàn kết trên biển với gần 1.000 tàu cá và gần 5.000 lao động. Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, cho biết, cùng với chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ của Chính phủ, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong khai thác hải sản ngày càng được chú trọng thì mô hình tổ, đội đoàn kết trên biển đã và đang phát huy hiệu quả, giúp bà con ngư dân an tâm bám biển trong thời điểm giá nhiên liệu tăng cao. “Mô hình tổ, đội đoàn kết trên biển đã phát huy hiệu quả, giúp bà con kéo dài chuyến biển, bám đàn cá, tiết kiệm chi phí. Đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận việc ngư dân bị chèn ép giá thu mua hải sản. Để khai thác hiệu quả, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không tổ chức khai thác khi chưa nắm rõ thông tin ngư trường”, ông Huy nhấn mạnh.
Trong khi đó, tỉnh Ninh Thuận hiện cũng đang có khoảng 170 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển, với hơn 1.000 tàu cá tham gia, chiếm gần 90% số tàu cá khai thác tại vùng biển khơi. Tất cả tàu trong tổ đoàn kết khi hoạt động đều được hỗ trợ về thông tin ngư trường, thông báo và hướng dẫn thời tiết nguy hiểm trên biển.
“Các chủ tàu cùng gắn kết, phân công tàu vận chuyển hải sản về đất liền, tàu chở nhiêu liệu và mặt hàng thiết yếu cung cấp cho các tàu đang bám biển khai thác. Từ đó tăng hiệu quả khai thác, tiết kiệm chi phí đánh bắt, ổn định sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo”, đại diện Chi cục Thủy sản Ninh Thuận thông tin.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, Chi cục Thủy sản Ninh Thuận đã tạo các nhóm trên mạng xã hội Zalo, kết nối chủ tàu cá ở các địa phương tham gia để ngư dân cập nhật thông tin dự báo ngư trường khai thác cũng như tiếp nhận thông tin của ngư dân.