Tuy nhiên, bên cạnh các tàu cá hoạt động hiệu quả thì vẫn còn nhiều tàu hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng khiến việc đánh bắt kém hiệu quả và hệ lụy là ngư dân đang phải ôm cả cục nợ cả chục tỷ đồng mà chưa có cách tháo gỡ hiệu quả.
Nhiều tàu hư hỏng, xuống cấp
Theo Sở NN-PTNN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay toàn tỉnh có 68 tàu 67 được đóng mới với tổng số tiền giải ngân trên 1.000 tỷ đồng, trong đó có 59 tàu khai thác đánh bắt, còn lại là 9 tàu dịch vụ hậu cần đánh bắt xa bờ. Bên cạnh các tàu cá đóng mới hoạt động hiệu quả vẫn còn một số tàu đang nằm bờ khiến việc trả nợ ngân hàng của các chủ tàu gặp nhiều khó khăn.
Là một trong những ngư dân đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được hỗ trợ thí điểm đóng tàu 67, nhưng trong khi các tàu khác đang hối hả vươn khơi đánh bắt hải sản dịp cuối năm thì chiếc “cần cầu cơm” của gia đình ngư dân Phạm Ngọc Hoàng (ngụ tại TP Vũng Tàu) lại phải nằm bờ chờ “cấp cứu”. Chiếc tàu vỏ thép của ông Hoàng được đóng tại Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn và hạ thủy vào đầu năm 2016 với số tiền gần 9,5 tỷ đồng. Ông Hoàng đã bỏ ra 1 tỷ đồng tiền túi và vay ngân hàng thêm 2 tỷ để mua ngư cụ vươn khơi đánh bắt. Thế nhưng sau vài chuyến biển có lãi, giữa năm 2017, tàu của ông Hoàng phải nằm bờ vì xuống cấp nhanh chóng. Tàu dài 27m, rộng 6,5m nhưng công suất máy của tàu chỉ 608CV, thua cả công suất máy của chiếc tàu vỏ gỗ và dẫn đến con tàu trở nên quá nặng nề. Hơn nữa, qua một thời gian sử dụng, máy tàu xuống cấp chỉ chạy được 4-5 hải lý/giờ, giảm 2-3 hải lý so với lúc mới hạ thủy khiến tốc độ di chuyển cũng như hiệu suất khai thác giảm đi đáng kể, mức độ chịu sóng cũng rất thấp. Hiện nay, lớp sơn của tàu đã bị bong tróc, lộ ra lớp thép han gỉ từ đầu tàu đến đuôi tàu, hầm tàu. Đó là chưa kể chủ tàu đã phải thay rất nhiều trang thiết bị điện để tàu hoạt động. Một điểm khác là khảo sát giá thị trường máy tàu hiệu Yanmar công suất 608CV chỉ có giá khoảng 1,6- 1,7 tỷ đồng thì ông lại phải trả số tiền đến cả 2,8 tỷ đồng (!?). Do tàu nằm bờ nên ông Hoàng đang ôm nợ số tiền 11 tỷ đồng và số tiền lãi cũng đang đội lên theo từng ngày nhưng ông vẫn chưa có phương án tháo gỡ.
Tàu 67 của ngư dân Phạm Ngọc Hoàng (ngụ tại Vũng Tàu) nằm bờ vì xuống cấp nhanh chóng
Trường hợp của ngư dân Nguyễn Trường Quang (huyện Long Điền) cũng đang gặp những trắc trở không kém ông. Ông Quang có 2 chiếc tàu 67 được hạ thủy vào cuối năm 2016 với tổng số tiền vay ngân hàng gần 36 tỷ đồng. Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, 2 tàu 67 trung bình mỗi chuyến biển ông thu lãi 200 - 300 triệu đồng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 2017, tình hình khai thác gặp nhiều khó khăn, hầu hết sau mỗi chuyến biển ông lỗ từ 20 - 100 triệu đồng. Thêm vào đó, tàu của ông liên tục gặp sự cố trên biển như bị tàu giã cào phá lưới, gãy chân vịt trong khi nguồn thu không có, việc xử lý, chi trả bồi thường của công ty bảo hiểm kéo dài làm ông Quang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Mới đây, tháng 11-2018, một tàu vỏ thép của ông mang số hiệu BV 91368 đã bị sóng đánh chìm khi cách Côn Đảo 14 hải lý nhưng tréo ngoe ở chỗ do việc chi trả của bảo hiểm kéo dài nên ông Quang chưa có tiền mua lại bảo hiểm cho con tàu này.
Cần tiếp sức cho tàu 67
Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 68 tàu đóng mới theo Nghị định 67 thì qua khảo sát đến nay đã có 9 tàu hoạt động không hiệu quả chủ yếu là tàu vỏ thép, trong đó đã có 5 tàu chuyển sang nợ xấu, với tổng số nợ là 72,197 tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng dư nợ.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tàu cá 67 hoạt động không hiệu quả, trong đó đầu tiên là việc thiết kế tàu cá vỏ thép chưa phù hợp với hoạt động sản xuất của ngư dân dẫn đến việc phải điều chỉnh nhiều lần, chất lượng một số tàu chưa đảm bảo. Kế đến là số lượng tàu của các tỉnh tập trung khai thác tại ngư trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quá đông trong khi nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt. Đặc biệt là nghề giã cào xung đột trên biển với các nghề lưới vây, cào mất lưới, rách lưới làm thiệt hại cho chủ tàu dẫn đến khai thác không hiệu quả. Thêm vào đó, việc chi trả bồi thường thiệt hại của công ty bảo hiểm còn chậm, thời gian chi trả kéo dài gây khó khăn trong việc huy động nguồn vốn. Ngoài ra, việc tìm kiếm lao động đi biển gặp nhiều khó khăn, nhiều thuyền viên sau khi cầm tiền ứng trước của chủ tàu đã bỏ trốn, làm mất tiền lại lỡ chuyến đi biển của các chủ tàu.
Để hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển, ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với các ngân hàng tham gia chương trình Nghị định 67 tìm kiếm hướng giải quyết cho ngư dân. Ngành cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian vay vốn đóng mới tàu cá từ 16 năm lên 20 năm và cho ngư dân được mua bảo hiểm ở các công ty bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính quản lý nhằm tăng tính cạnh tranh nâng cao chất lượng phục vụ.
Về phía ngư dân, với tình trạng tàu nằm bờ vì hư hỏng, nhiều ngư dân mong ngân hàng xem xét khoanh, giãn nợ để ngư dân sửa chữa tàu, khắc phục sự cố để tàu tiếp tục ra khơi đánh bắt lấy tiền trả nợ.